19/09/2016 - 10:38

Chia tay không êm ái !

Sau hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Bratislava (Slovakia) cuối tuần rồi, lãnh đạo 4 quốc gia Trung Âu gồm Hungary, Ba Lan, CH Czech và Slovakia (còn gọi là Bộ tứ Visegrad) đã tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào giữa Brussels và Luân Đôn liên quan tới việc Anh rời EU (Brexit) nếu nó hạn chế quyền của người dân nước họ được đến làm việc tại xứ sương mù. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết ông cùng các nhà lãnh đạo Trung Âu khác sẽ không để người dân của mình đang sống ở Anh trở thành "công dân hạng hai". "Nhóm Visegrad sẽ không thỏa hiệp. Trừ phi chúng tôi cảm thấy được bảo đảm rằng những người này được đối xử bình đẳng, chúng tôi sẽ phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào giữa EU và Anh", ông Fico nhấn mạnh. Bộ Ngoại giao Slovakia sau đó giải thích rằng Thủ tướng Fico chỉ muốn đề cập đến những người đang sống ở Anh vào thời điểm Anh trưng cầu dân ý về Brexit (ngày 23-6).

Thủ tướng Anh Theresa May và người đồng cấp Slovakia Robert Fico. Ảnh: Reuters

Phản ứng của Visegrad là điều dễ hiểu bởi có rất nhiều công dân của họ hiện làm việc tại Anh. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh, vào thời điểm cuối năm 2014 có khoảng 853.000 người Ba Lan, 85.000 người Hungary, 79.000 người Slovakia và 37.000 người Czech đang sinh sống ở nước này.

Tại cuộc họp ở Bratislava, lãnh đạo EU cũng khẳng định họ có thể không cho Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu nếu Luân Đôn từ chối việc di chuyển tự do lao động.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May đang phải chịu thêm áp lực về việc sớm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để chính thức bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài 2 năm về việc rời EU, đồng thời phải "rắn" trên bàn thương lượng. Ngày 17-9, một nhóm mang tên "Bỏ đi là bỏ đi" đã được thành lập và nhận được sự ủng hộ của một số cựu bộ trưởng cùng ít nhất 6 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền. Nhóm này giục chính phủ đưa Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, chấm dứt những ảnh hưởng của Brussels đối với luật pháp Anh và đặc biệt là không tiếp nhận người nhập cư từ các nước EU. Theo họ, Anh cần rời thị trường chung, cái mà họ cho là "khu vực kinh tế kém thành công nhất trên thế giới", ngay cả khi không có một hiệp định khác thay thế với EU. "Bỏ đi là bỏ đi" thậm chí cho rằng nếu Brussels không nhượng bộ Luân Đôn trong vấn đề thương mại, Anh nên rời EU mà không cần một thỏa thuận chính thức.

Thủ tướng May từng cam kết "Brexit là Brexit" và dự kiến sẽ bắt đầu thương lượng với Brussels từ đầu năm tới. Nhưng dường như sợ "đêm dài lắm mộng", cựu Bộ trưởng Nội các John Whittingdale mới đây giục bà làm điều đó càng sớm càng tốt để chấm dứt nỗ lực của một số người muốn giữ Anh ở lại với EU.

Quốc Khánh

Chia sẻ bài viết