02/10/2017 - 20:54

Chỉ cần một thay đổi nhỏ 

TS Dương Văn Ni, nhà nghiên cứu môi trường và tài nguyên thiên nhiên, khi trò chuyện  với doanh nhân trẻ Nguyễn Văn Phong, khởi nghiệp từ nông nghiệp (Cantho Farm) nói rằng tương lai nông nghiệp cần lớp Start Up giỏi ứng dụng công nghệ mới và có tầm nhìn, nền tảng để các bạn trụ vững là văn hóa bản địa và đa dạng sinh học. Nguyễn Văn Phong là giáo viên môn sinh học muốn chuyển hóa tri thức thành hành động hữu ích và tâm đắc về điều này.

Học để đi tiếp

Chuyên gia quốc tế về thương hiệu Nguyễn Phi Vân, tác giả quyển “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, sau hai thập niên đi làm thuê, trở thành nhà tư vấn nhiều dự án khởi nghiệp ở Malaysia, sáng lập viên của nhiều tập đoàn  tiếng tăm và là người chuyên về nhượng quyền thương hiệu nói rằng tài nguyên bản địa là kho báu. Các Start Up đừng quên kho báu ấy khi khởi nghiệp.

Bà Trần Thị Kim Xoàn, Giám đốc Công ty Khánh Sơn, chọn giống gà Bến Tre do có phẩm chất  thơm ngon,  nuôi khoảng 5.000 gà con và gần 10.000 gà thịt, cung cấp cho các bếp ăn của quân khu 7… Với tổng diện tích 32 héc ta, 6 khu nuôi gà tách biệt nhau bằng các hồ nước, trang trại của Công ty cổ phần Khánh Sơn phải đi học cách vận hành trang trại theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Lớp trẻ quảng bá sản phẩm của Cần Thơ tại Mekong Connect năm 2016. Ảnh: CHÂU LAN

Khóa học đầu tiên do dự án Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” (Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) hợp tác với tổ chức Food Plus GmbH thực hiện chương trình) cho 2 ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Ở một khóa học 3 ngày, sỉ số không quá 15 người, đóng học phí 1.000 euro/học viên để được tư vấn hướng đi phù hợp với các chuẩn mực về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Điểm thi tối thiểu 70% mới được cấp chứng chỉ. Cách học là phân tích thời gian thực và những tình huống có đối chiếu. Sau khi kiểm tra thực tế cùng các học viên, là thành viên Diễn đàn Các trang trại nhân giống châu Âu và tổ chức TAFS – Lòng tin An toàn thực phẩm cho người và động vật ở Zürich -Thụy Sĩ, TS Roland Karl Aumüller, Giám đốc điều hành của Dr. Aumüller Consultancy, một trong những giảng viên của khóa học giả định tình huống trang trại bán 1.000 con gà cho một nhà bán lẻ ở TP HCM, nhưng nếu một cơ quan kiểm tra nào đó nói với nhà bán lẻ gà này bị nhiễm vi khuẩn salmonella. “Đợi tôi kêu người kiếm và bắt đầu lục tung giấy tờ… Đừng nói vậy, làm vậy là mất điểm”, TS Roland Karl Aumüller khuyên: Hãy nghĩ rằng mình làm chưa tốt và phấn đấu để làm tốt hơn.

3 vấn đề doanh nghiệp, các trang trại chăn nuôi thường gặp phải, theo TS Roland Karl Aumüller là: An toàn thực phẩm (ATTP), hệ thống tài liệu, hồ sơ và cuối cùng là truy xuất nguồn gốc. GlobalGAP là tiêu chuẩn cho những sản phẩm tại trang trại nên 3 vấn đề trang trại phải tập trung chứng minh là: Hệ thống tài liệu, hồ sơ; Đánh giá rủi ro và kế hoạch sức khỏe thú y.

Tác nhân dẫn dắt

Những khóa học tương tự như vậy hoặc Diễn đàn ATTP do Hội DNHVNCLC tổ chức, thu hút nhiều doanh gia thành công và sẵn sàng chia sẻ trên thế giới, như TS Roland Aumüller; ông Isidor ByeongDeok Yu, chuyên gia trong lĩnh vực chứng nhận hữu cơ và bền vững đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến trong và ngoài Hàn quốc từ năm 2001, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu bền vững Isor, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban châu Á Thái Bình Dương và là Giảng viên chủ chốt của IOIA; ông  Nestor Scherbey, cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA)…

Ông  Nestor Scherbey từng đến Cần Thơ chia sẻ cách làm hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU cho doanh nghiệp một cách chân tình, cũng đưa ra những lời khuyên về khả năng tự chứng minh sản phẩm an toàn.

Điểm nghẽn lớn nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào gốc bản địa. Đối với nông dân miền Tây, khi phải ghi chép thường xuyên thì đó là cực hình, thà phạt “một xị” còn dễ hơn. Các bác nông dân đang có điện thoại thông minh, thay vì chỉ sử dụng nó như một chiếc điện thoại thông thường, lãng phí biết bao chức năng liên kết… chỉ cần suy nghĩ khác, tìm hiểu tính năng hữu ích để  trí tuệ nhân tạo góp phần giải quyết những bức bối đang đặt ra. Rất đơn giản, chỉ cần sử dụng Smartphone chụp lại từng khâu đã làm và lưu lại như tài liệu chứng minh. Nay đã có phần mềm hỗ trợ, vấn đề là các bác nông dân có muốn thực thi những nguyên tắc đã cam kết trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn đó hay không. TS Lê Đặng Trung, Giám đốc Công ty phân tích thời gian thực, nhà cung cấp phần mềm tiện ích nói rằng tính ý của nông dân, hiểu biết thói quen “bản địa”- đại loại- như vậy mới có thể tìm ra giải pháp  phù hợp.

Mắt xích Lê Đặng Trung và những câu chuyện về thiết bị thông minh từng được TS Nguyễn Thanh Mỹ, CEO  Công ty Rynan Agrifoods, Trà Vinh, chia sẻ đang trở thành những tác nhân nối kết có thật, đủ khả năng dẫn dắt.

Action Coach, Mỹ, bắt đầu những lớp học tại Việt Nam, chỉ dành cho ông chủ để tư vấn những giải pháp hữu hiệu tới mức không có ông chủ mọi việc vẫn chạy tốt.

Ông Ngô Ngọc Danh, chuyên gia của tổ chức này, nói: Người chủ ra quyết định tối hậu. Đầu tiên, các chuyên gia bắt mạch thông qua các cuộc đối thoại để xem sức khỏe doanh nghiệp: Đích đến của anh là đâu? Tài chính thế nào? Thời gian vận hành doanh nghiệp? Chuỗi cung ứng? Quy trình này sẽ qua 6 bước theo những tiêu chí: Chủ động, thị trường ngách, đòn bẩy, đội ngũ, vận hành đồng bộ, kết quả. Cùng với 6 bước trong quy trình là những thước đo mức độ bền vững, lợi nhuận, thời gian, vai trò CEO, thu nhập. Đặc biệt chú trọng hạn chế sự hỗn loạn, ước tính dòng tiền, tính hiệu quả, cơ cấu phát triển (đội ngũ), một cỗ máy vận hành tốt và sự phát triển doanh nghiệp theo hướng riêng… mà không phải cái gì cũng hỏi ông chủ.

Chuyện lớn - chuyện nhỏ

Temasek và Google  dự đoán Việt Nam sẽ là một trong sáu quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng Internet nhanh nhất thế giới vào năm 2020, trong một hội thảo tại TP HCM, người ta nói như vậy, nhưng việc khai thác tài nguyên Internet vào việc gì có ích như thương mại điện tử  cũng chỉ mới bắt đầu ở miền Tây.

Các doanh nghiệp tự nhận là “yếu nhớt”, làm chỉ cốt đủ ăn, tới những Hợp tác xã (HTX), theo luật mới vận hành theo tính chất doanh nghiệp, nhưng không ít giám đốc nói về HTX cứ nhầm lẫn thương hiệu với nhãn hiệu! Việc đăng ký nhãn hiệu bảo hộ hoàn tất được xem là xong, không cần phải xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu nên làm miết nhưng chẳng tạo được dấu ấn gì trên thị trường. Có bác giám đốc nói tui có chứng nhận GlobalGAP? Là được chứng nhận  thương hiệu toàn cầu rồi. Có chứng nhận quy trình sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP, nghe nói rất oai, nhưng khi tái kiểm định và chứng nhận, bác Bảy, dì Chín là giám đốc lo canh cánh vì thực sự không đủ tiền lo chi phí. Không xong, các bác, các dì  “tuột xuống” làm VietGAP chỉ vì ít tốn phí hơn, nhưng rồi sẽ làm gì với chứng nhận? Theo đuổi, thúc đẩy công ăn việc làm như thế nào! “Tóm lại” vẫn là chuyện đầu ra bấp bênh, nhưng không biết làm thế nào cho cân bằng, bền vững!

Các cơ sở đã có chứng nhận GlobalGAP, VietGAP hay than “không có doanh nghiệp hỗ trợ  tái chứng nhận… Chuyện của mình, doanh nghiệp giúp cho có trớn, cái máy khi đã chạy rồi thì chỉ cần tính mỗi ngày “bỏ ống” mấy ngàn đồng, các thành viên HTX đều làm thì tới lúc đáo hạn sẽ đủ tiền nộp phí tái kiểm định, lấy chứng nhận, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nói với các HTX, Tổ hợp tác (THT) trong buổi kết nối với VinEco: Khi đã được chứng nhận rồi thì phải tìm mọi cách tiếp cận với các nhà phân phối, chính quyền đã mời nhà phân phối tới đây; Tôi nhắc một chuyện nhỏ thôi: khi giao dịch với đối tác phải có danh thiếp, thông tin năng lực, mùa vụ… Nhưng chỉ riêng danh thiếp, chẳng tốn nhiều tiền, nhưng bà con mình không chịu làm dù chỉ cần một chút thay đổi nhỏ thôi. Khi mọi liên kết bất thành, chúng ta lại tiếc nuối?

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết