18/08/2018 - 09:44

Châu Âu thắt chặt kiểm soát mạng che mặt 

Luật cấm sử dụng trang phục che một phần hoặc kín mặt bao gồm khăn choàng của người Hồi giáo (niqab hay burqa) ở nơi công cộng có xu hướng lan rộng ở châu Âu, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây khi tình hình khủng bố tại châu lục này ngày càng khó kiểm soát.

Biểu tình tại Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) phản đối lệnh cấm mạng che mặt.

Đầu tháng này, Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu tiếp theo ban hành lệnh cấm đeo mạng che mặt ở nơi công cộng. Trước những tranh cãi và ý kiến phản đối, Bộ trưởng Tư pháp Soren Pape Poulsen nói rằng một người che giấu khuôn mặt của mình thể hiện “sự thiếu tôn trọng” người khác và “không tương thích với các giá trị trong xã hội Đan Mạch”. Theo Luật cấm burqa, người vi phạm sẽ chịu mức phạt khoảng 150 USD hoặc lên tới 1.600 USD, thậm chí bị tù giam 6 tháng nếu tái phạm. Vài ngày sau khi luật có hiệu lực, tờ Guardian cho biết một phụ nữ 28 tuổi mặc niqab (trang phục bao phủ toàn bộ cơ thể trừ đôi mắt) là người đầu tiên nhận án phạt 156 USD do vi phạm lệnh cấm trong vụ ẩu đả với một phụ nữ Đan Mạch khác. Người này đã cố xé rách khăn trùm đầu của người phụ nữ Hồi giáo.

Năm 2011, Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên áp lệnh cấm đeo mạng che kín mặt nơi công cộng. Thời điểm đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy tranh luận rằng trang phục burqa che phủ từ đầu đến chân người mặc thể hiện  “sự bất công” đối với phụ nữ và “không được chào đón” tại  nước này. Theo sau Pháp, các nước Bỉ, Bulgaria, Áo, Hà Lan bắt đầu áp lệnh cấm tương tự trên toàn quốc hoặc theo vùng. Một số thị trấn, thành phố ở Tây Ban Nha, Ý, Thụy Sĩ cũng ra quy định xử phạt những ai mặc burqa nơi công cộng. Chính phủ Đức, Latvia, Phần Lan, Luxembourg cũng đang xem xét động thái như vậy.

Thường chính sách này được đưa ra vì lý do an ninh giữa thời điểm lo ngại nguy cơ khủng bố tại châu Âu ngày càng tăng. Bên cạnh “bóng ma” về các cuộc tấn công cực đoan, một số chính trị gia cho rằng đeo mạng che kín mặt không phù hợp với “giá trị vốn có của châu Âu” hay như lời các chuyên gia thì đây là thực trạng “xung đột văn hóa”. Trên thực tế, Giáo sư Akbar Ahmed chuyên nghiên cứu đạo Hồi tại Đại học Hoa Kỳ cho biết tỷ lệ phụ nữ mặc niqab hoặc burqa ở châu Âu chiếm con số rất nhỏ. Dẫu vậy, các nhà lãnh đạo cánh hữu nhìn nhận việc phụ nữ xuất hiện ở nơi công cộng với biểu tượng mạng che mặt của đạo Hồi là bằng chứng về sự “Hồi giáo hóa” ở châu Âu. 

Một phụ nữ Hồi giáo Thụy Điển đã được bồi thường sau phán quyết của tòa, rằng cô bị phân biệt đối xử gián tiếp liên quan phong tục tôn giáo khi phỏng vấn xin việc.

Farah Alhajeh, 24 tuổi, nộp đơn ứng tuyển vị trí biên dịch viên tại một công ty vào năm 2016. Theo lời kể, buổi phỏng vấn xin việc bị chấm dứt đột ngột sau khi cô từ chối bắt tay người phỏng vấn nam vì lý do tôn giáo. Thay vào đó, cô Alhajeh theo phong tục đặt tay lên trái tim mình như một cách chào.  

Theo lý giải của công ty, việc từ chối bắt tay đồng nghiệp khác giới sẽ tạo ra mâu thuẫn và xung đột giữa các đồng nghiệp nam và nữ. Nhưng trong phán quyết hôm 15-8, Tòa án Lao động Thụy Điển kết luận việc người phụ nữ từ chối bắt tay người khác giới là biểu hiện tôn giáo và được bảo vệ theo Công ước châu Âu về nhân quyền. Tòa cũng yêu cầu công ty phải bồi thường khoản tiền hơn 4.000 USD.

MAI QUYÊN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết