08/04/2018 - 10:19

Châu Âu chia rẽ vì “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc 

Hồi tháng 2 vừa qua, trong bài diễn văn chính thức cuối cùng trên cương vị Ngoại trưởng Đức - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, ông Sigmar Gabriel đã nhắc lại một cảnh báo trước đó rằng sáng kiến “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực thiết lập một hệ thống thế giới mới phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh.

Nhiều lãnh đạo châu Âu tham gia hội nghị thượng đỉnh BRI tại Trung Quốc hồi tháng 5-2017. Ảnh: AP

Trước đó, ông Gabriel hồi tháng 8 năm ngoái cũng đã bày tỏ quan ngại tương tự, cáo buộc Bắc Kinh không tôn trọng tính thống nhất của châu Âu và Liên minh châu Âu (EU). Ông phê phán những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn hoặc làm nhẹ các tuyên bố của EU chỉ trích Trung Quốc về hồ sơ nhân quyền cũng như hoạt động của nước này ở Biển Đông. Ông Gabriel và một số đồng nghiệp cũng tỏ ra khó chịu trước sáng kiến hợp tác của Trung Quốc với sự tham gia của 16 quốc gia gần biên giới phía Đông EU, trong đó gồm 11 nước thành viên EU. Sáng kiến được gọi là 16+1 này được cho có liên quan chặt chẽ với sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc.

Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu khác cũng bày tỏ lo ngại xung quanh việc mất kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng và công nghệ quan trọng. 

Tuy nhiên, nhìn chung thái độ của các nước châu Âu đối với Trung Quốc là vừa tích cực vừa phức tạp. Theo đó, các chính phủ châu Âu hoan nghênh đóng góp của Trung Quốc đối với sự phát triển và cơ sở hạ tầng tại khu vực. Họ ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng kết nối và thương mại tại châu Âu. Song, hầu hết các nước EU yêu cầu Trung Quốc làm rõ các kế hoạch và tham vọng của mình. Chẳng hạn, EU và một số quốc gia thành viên miễn cưỡng chấp nhận các thỏa thuận liên quan đến BRI, chỉ ra những vấn đề còn vướng mắc về chuyện đấu thầu cạnh tranh cũng như các tiêu chuẩn quy định. EU cũng tỏ ra quan ngại về nhân quyền, nhất là trong việc kết nối với cái gọi là quốc gia “thứ ba” mà Trung Quốc hy vọng sẽ đầu tư và hợp tác với các đối tác châu Âu.

Kể từ đầu những năm 2000, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng lên một cách nhanh chóng, tạo ra nhiều phản ứng chính trị. Do đó, EU năm 2017 đã đề xuất thành lập một cơ chế sàng lọc đối với các khoản đầu tư nước ngoài. Dù không bị “chỉ đích danh” nhưng Trung Quốc được xem là nguyên nhân dẫn đến hành động bất ngờ này.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết