14/04/2010 - 20:43

THỰC HIỆN VIỆC KHOÁN KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Cần sớm nhân rộng

Các bảng “đề nghị ra khỏi phòng tắt đèn, tắt quạt” được cán bộ, công chức thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, dán để nhắc nhở tiết kiệm.

Thực hiện Nghị định 130/NĐ/ CP ngày 17-10-2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính (QLHC) đối với các cơ quan nhà nước (gọi tắt là Nghị định 130), thời gian qua, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện thí điểm việc giao khoán kinh phí QLHC tại một số xã, phường. Việc thực hiện Nghị định 130 bước đầu đã tạo ra sự chuyển biến lớn về tư duy và nhận thức trong việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính công, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính cấp xã trong việc sử dụng biên chế và kinh phí. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 130 ở cấp xã cũng cho thấy một số vấn đề cần lưu ý trước khi nhân rộng.

* Hiệu quả rõ nét

Tính đến cuối năm 2009, thành phố có 8 xã, phường thị trấn thực hiện khoán kinh phí QLHC, gồm: phường An Cư, Cái Khế, Hưng Lợi (quận Ninh Kiều), phường Trường Lạc (quận Ô Môn), thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai), thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ), xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh). Theo lãnh đạo các địa phương trên, việc thực hiện tự chủ về kinh phí đã tạo ra nhiều kết quả tích cực, như: tạo điều kiện cho cơ quan chủ động trong việc sử dụng biên chế và kinh phí QLHC một cách hợp lý nhất; thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng lao động, nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả sử dụng kinh phí QLHC, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức (CBCC), đồng thời thể hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và CBCC trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật. Sau thời gian thực hiện, hầu hết các đơn vị đều tạo ra nguồn kinh phí tiết kiệm để tăng thu nhập cho CBCC của đơn vị, bình quân 200 đồng/ người/ tháng.

Điển hình như ở phường An Cư, để thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí khoán, phường đã chủ động xây dựng Đề án và Quy chế chi tiêu nội bộ; đồng thời, sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, tiết kiệm các khoản chi tiêu theo nguyên tắc hợp lý và triệt để tiết kiệm. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Cư, cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, phường chủ động sắp xếp lại một số chức danh bán chuyên trách theo hướng không bố trí biên chế mà chỉ phân công CBCC kiêm nhiệm. Vì thế, chúng tôi tiết kiệm được đến 9 biên chế trong tổng số 46 biên chế được giao, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thời gian quy trình xử lý công việc, là đơn vị dẫn đầu trong Cụm thi đua 1 của quận. Năm 2009, An Cư đã tiết kiệm gần 20% kinh phí khoán, chi tăng thu nhập cho CBCC của đơn vị từ 3 đến 5 triệu đồng/ người/ năm”.

Ở thị trấn Thới Lai, theo ông Huỳnh Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND thị trấn, ý thức tiết kiệm của đội ngũ CBCC thị trấn có chuyển biến rõ rệt từ khi sử dụng kinh phí khoán. Các CBCC thường xuyên nhắc nhở nhau tắt đèn, quạt trước khi rời phòng làm việc, tắt máy vi tính nếu thời gian không sử dụng trên 1 giờ; kết hợp nhiều nội dung trong một cuộc họp và khuyến khích sử dụng nước trà, hạn chế nước suối, tiệc tùng khi tổ chức họp... Nhờ đó, số tiền điện, nước, văn phòng phẩm của đơn vị tiết kiệm được hơn 25% so với năm trước; tiết kiệm được 16,36% so với kinh phí được giao... Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ tài chính của UBND thị trấn Thới Lai, nói: “Nhờ tiết kiệm các khoản chi, năm 2009, CBCC thị trấn Thới Lai cũng nhận được thu nhập tăng thêm từ 270 ngàn đến 340 ngàn đồng/ người/ tháng, qua đó, mọi người thấy được ý nghĩa của chủ trương đúng đắn này, an tâm và phấn khởi hơn trong thực hiện nhiệm vụ”.

Ngoài ra, theo lãnh đạo các địa phương, việc sử dụng kinh phí khoán còn giúp khắc phục những hạn chế lâu nay trong sử dụng ngân sách, như giảm thiểu các tư tưởng phát sinh khi thực hiện cơ chế “xin - cho”, tình trạng “chạy” kinh phí còn dư cuối năm để chi tiêu cho hết, mặc dù việc chi tiêu đó chưa thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, thực hiện công khai dân chủ trong việc sử dụng kinh phí QLHC đã tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị, nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện quyền giám sát của đội ngũ CBCC trong thực thi công vụ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

* Nhân rộng: Cần quyết tâm cao

Thực tế triển khai thực hiện Nghị định 130 ở các xã, phường, thị trấn trên mang lại hiệu quả khá rõ nét. Tuy nhiên, so với nhiều địa phương và kế hoạch của thành phố, tiến độ triển khai thực hiện Nghị định 130 còn rất chậm. Kế hoạch mỗi quận huyện chọn một xã, phường, thị trấn thí điểm khoán kinh phí QLHC được thành phố đề ra từ nhiều năm trước, nhưng đến năm 2009 mới thực hiện và còn đến 3 đơn vị (quận Bình Thủy, Thốt Nốt và Cái Răng) vẫn chưa thực hiện. Lý do các đơn vị này nêu ra cho sự chậm trễ trên là do đơn vị được chọn thực hiện thí điểm chưa được phân loại (Bình Thủy), do phải sắp xếp nhân sự của đơn vị đăng ký thí điểm cho phù hợp với việc khoán kinh phí (Thốt Nốt), hay do việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ chậm hoàn chỉnh (Cái Răng) là chưa thật sự hợp lý, bởi không ít địa phương thực hiện thí điểm có cùng điều kiện, hoàn cảnh nhưng lãnh đạo các địa phương vẫn nỗ lực chỉ đạo và quyết tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện cơ chế tự chủ ở các địa phương cũng phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ. Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Quyền Chủ tịch UBND phường Hưng Lợi, nêu ý kiến: “Ngoài việc căn cứ theo biên chế, cần tính đến đặc thù của từng địa phương khi tính nguồn kinh phí khoán”. Điển hình như ở phường Hưng Lợi, với diện tích và dân số gần gấp 3 lần các phường khác trong quận, áp lực công việc của đội ngũ CBCC ở phường rất lớn, nên việc tiết kiệm về biên chế ở Hưng Lợi rất khó để thực hiện. Đó là chưa kể một số xã ở các huyện địa bàn rộng, giao thông hạn chế, việc QLHC, triển khai công tác tốn nhiều công sức và kinh phí nhưng lại khoán bằng những nơi có điều kiện thuận lợi hơn về giao thông là chưa hợp lý. Ông Nguyễn Huỳnh Lam Đa, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh, cho biết, năm qua, đơn vị gặp khó khăn trong sử dụng kinh phí khoán do “quên” đưa vào dự toán đầu năm một số hoạt động như Đại hội thể dục thể thao của các ấp, xã... các nguồn chi tiết kiệm được phải bù vào các khoản này nên còn lại không đáng kể. Ông Huỳnh Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai thì thừa nhận, trong khi đại đa số CBCC có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới tác phong và nâng cao ý thức trách nhiệm thì có tình trạng một số ít cán bộ “tiết kiệm... đi cơ sở” khi sử dụng kinh phí khoán. Lãnh đạo nhiều địa phương cũng lo lắng khi giá cả các loại hàng hóa đều tăng, trong khi mức khoán năm nay cũng không khác so với năm 2009 sẽ khiến địa phương khó khăn hơn trong hoạt động... Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng một số quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo Nghị định 130 và các hướng dẫn vẫn chưa rõ ràng, như: chưa phân định rõ tài sản cố định được mua sắm trong kinh phí tự chủ là tài sản gì, dẫn đến trường hợp cơ quan nhà nước không mua tài sản cố định thì số dự toán kinh phí tự chủ được giao mua tài sản cố định có thể vẫn được coi là kinh phí tiết kiệm của đơn vị là chưa hợp lý. Ngoài ra, bên cạnh việc phân bổ kinh phí khoán, cần tính toán chặt chẽ hơn trong việc phân bổ kinh phí ngoài khoán để tăng cường công tác quản lý ngân sách...

Theo kế hoạch của TP, đến cuối năm 2010, 100% xã, phường, thị trấn sẽ thực hiện khoán biên chế và kinh phí QLHC. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh sự quyết tâm nỗ lực của lãnh đạo các quận, huyện, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu khắc phục những bất cập, vướng mắc, hạn chế trong thực hiện Nghị định 130, từng bước hoàn thiện cơ chế tự chủ về tài chính, góp phần đẩy nhanh việc cải cách tài chính công cũng như cải cách hành chính nói chung, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn ngân sách của thành phố.

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

Chia sẻ bài viết