21/06/2018 - 10:44

Cần giải pháp gốc rễ cho vấn đề người tị nạn 

Thế giới có 68,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa

Cộng đồng người Yazidis đang tháo chạy khỏi vùng chiến sự tại thị trấn Sinjar, miền bắc Iraq. Ảnh: Reuters
Cộng đồng người Yazidis đang tháo chạy khỏi vùng chiến sự tại thị trấn Sinjar, miền bắc Iraq. Ảnh: Reuters

"Chừng nào còn chiến tranh và xung đột, khi đó vẫn còn người tị nạn. Vào Ngày Tị nạn thế giới, tôi xin nhắc các bạn nhớ những điều này. Chúng ta cần phải đoàn kết, có lòng thương và hành động”.

Đó là thông điệp mà Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra nhân Ngày Tị nạn thế giới 20-6, trong bối cảnh vấn đề người tị nạn và nhập cư đang trở thành chủ đề gây tranh cãi gay gắt ở cả Mỹ lẫn châu Âu, một lần nữa cho thấy đây không chỉ là thách thức của riêng mỗi quốc gia mà đã trở thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.

Theo báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), số người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, bạo lực và khủng bố trên toàn thế giới đã tăng lên tới con số kỷ lục 68,5 triệu người.

Con số này tương đương với dân số Thái Lan và nhiều hơn 3 triệu người so với dân số nước Anh, cũng đồng nghĩa cứ 110 người trên thế giới thì có 1 người sống trong cảnh vô gia cư. Theo đó, có 44.500 người bị đẩy khỏi nhà của họ mỗi ngày – tức mỗi 2 giây thì có 1 người phải rời đi.

Trong tổng số 68,5 triệu người bị buộc phải tha hương, có 40 triệu người di tản trong nước, 25,4 triệu người tị nạn và 3,1 triệu người đăng ký xin tị nạn. Tính đến cuối năm 2017, số người rời bỏ nhà cửa đã tăng cao hơn 3 triệu người so với năm trước và tăng 50% so với mức 41,7 triệu người cách đây 1 thập niên. Đáng chú ý, con số này vẫn tăng dù hơn 5 triệu người đã hồi hương.

Trong báo cáo thường niên, UNHCR ghi nhận có 5 nước chiếm đến 2/3 số người tị nạn - bao gồm Syria (6,3 triệu), Afghanistan (2,6 triệu), Nam Sudan (2,4 triệu), Myanmar (1,2 triệu) và Somalia (986.400). Tuy Syria vẫn dẫn đầu về số người tị nạn trong năm 2017, song số người phải rời bỏ nhà cửa ở khu vực Bắc và Trung Mỹ đã tăng lên đáng kể, với số người đang trong hành trình xin tị nạn ở Mexico và Mỹ ngày càng tăng.

Những con số đáng báo động trên cho thấy số người tị nạn không giảm mà ngày càng tăng lên, dù hành trình tị nạn luôn chứa đựng nhiều rủi ro và nguy hiểm. Mỗi năm, hàng nghìn người di cư đã thiệt mạng trên hành trình tìm đến “miền đất hứa”, chủ yếu là do chết đuối và điều kiện di chuyển quá khắc nghiệt. Riêng trong năm 2017, hơn 3.000 người đã thiệt mạng khi vượt Địa Trung Hải bằng những chiếc thuyền hơi tạm bợ để vào châu Âu.

Đối với các nước tiếp nhận tị nạn, vấn đề cũng khó khăn không kém. Chính các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu hiện nay. Ước tính, kể từ năm 2015 đến nay, bất chấp những nguy hiểm trên đường đi hay những rào cản của các nước họ muốn đến, số người tị nạn từ khu vực bất ổn trên đến châu Âu đã vượt quá 1  triệu người, chủ yếu là vượt Địa Trung Hải để đến Italy và Hy Lạp, cửa ngõ của người di cư để đến các nước Liên minh châu Âu (EU) khác.

Trong khi đó, dựa trên một tài liệu thu thập được, báo The Guardian (Anh) đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc tính khả thi của ý tưởng thiết lập các trung tâm xử lý di dân tại Bắc Phi, nhằm ngăn chặn họ thực hiện những hành trình đe dọa tính mạng để đến châu Âu bằng cách đi qua Địa Trung Hải.  Được biết, Bắc Phi là nơi bắt đầu của hầu hết các hành trình di cư đi tới lục địa già.

ĐÔNG PHONG (Theo AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết