18/11/2017 - 15:30

Các nhà ngoại giao muốn rời khỏi New Delhi vì ô nhiễm không khí 

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ báo động đến nỗi các nhà ngoại giao tại đây đang phân vân giữa việc nên tiếp tục ở lại công tác hay rời khỏi.

Bầu trời và đường phố đầy bụi mù ở New Delhi ngày 17-11. Ảnh: NDTV

Theo tờ Indian Express, một số nhà ngoại giao như Đại sứ Costa Rica Mariela Cruz Alvarez đã rời khỏi New Delhi sau khi mắc phải các vấn đề về hô hấp. Trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao khác viện cớ xin nghỉ bệnh hoặc vì lo lắng cho sức khỏe của con cái mình. Tờ báo này cho biết, một số công việc ngoại giao tại New Delhi thậm chí được chuyển đến cho các nhân viên ngoại giao ở các quốc gia gần đó như Singapore xử lý.

“Tôi là một bằng chứng sống cho thấy hành tinh của chúng ta đang sắp diệt vong. Khi tôi viết ra những dòng chữ này cũng là lúc tôi bị viêm phế quản” – Đại sứ Alvarez viết trên trang cá nhân. Một nhà ngoại giao giấu tên khác bộc bạch: “Tôi đã phải rất vất vả mới đến được Ấn Độ. Tuy nhiên, tôi sẽ quyết tâm đến công tác ở nơi khác vào mùa hè năm sau khi tôi kết thúc 2 năm ở đây”.

Chính phủ Ấn Độ hôm 16-11 đã đưa ra một số biện pháp tạm thời nhằm đối phó bụi mù, khiến chất lượng không khí ở New Delhi được cải thiện chút ít. Song, nhiều nhà ngoại giao vẫn tỏ ra lo ngại về tình trạng sức khỏe của họ khi các báo cáo cho thấy lượng bụi mịn có đường kính 2,5 micrômét (PM 2.5) - chất ô nhiễm nguy hiểm nhất - trong không khí vẫn còn ở mức rất cao.

Một số nhà ngoại giao nói rằng ô nhiễm không khí đã cản trở công việc của họ. “Bạn không thể ngồi trong phòng và tiến hành hoạt động ngoại giao. Bạn phải ra ngoài và gặp gỡ mọi người” – một quan chức Pháp giấu tên nói với tờ Indian Express. Đại sứ Thái Lan Chutintorn Gongsakdi mới đây cũng đã viết thư gửi về Bangkok, trong đó yêu cầu cung cấp thêm nhiều quyền lợi, chẳng hạn như trang bị thêm máy lọc không khí, cho phép họ về thăm nhà thường xuyên cũng như có  thêm vài ngày nghỉ phép như một sự “bồi thường” cho việc phải sống trong bụi mù.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở New Delhi đạt đỉnh điểm trong tháng 11 khi lượng PM 2.5 trong không khí gấp 70 lần so với giới hạn an toàn theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chỉ số chất lượng không khí tại đây có lúc đạt mức 999 microgam/m3

Một nghiên cứu công bố gần đây trên Tạp chí y khoa Lancet (Anh) cho biết, 2,5 triệu người Ấn Độ đã tử vong hồi năm 2015 vì ô nhiễm. Tuy nhiên, trách nhiệm đối phó tình trạng ô nhiễm đã được “đá qua đá lại” khi các bộ trưởng  thay phiên đổ lỗi cho nhau. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Harsh Vardhan trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây đã phủ nhận tác động của ô nhiễm đối với sức khỏe con người khi nói rằng nó không liên quan trực tiếp tới các ca tử vong nói trên. “Không có giấy chứng tử nào xác nhận nguyên nhân gây tử vong là ô nhiễm” - ông này thản nhiên tuyên bố.

TRÍ VĂN

20 nước tuyên bố không xài điện than

20 quốc gia trong đó có Anh, Canada và New Zealand mới đây đã tham gia vào một liên minh quốc tế nhằm loại bỏ việc phát điện bằng than trước năm 2030. Theo kế hoạch, liên minh sẽ chịu trách nhiệm chia sẻ công nghệ để giảm khí thải, chẳng hạn như cách thu thập và lưu trữ khí CO2. Được biết, liên minh không có sự tham gia của Úc cũng như những “ông lớn” tiêu thụ than thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Đức và Nga này được ra mắt tại hội nghị lần thứ 23 của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP23) đang diễn ra tại thành phố Bonn (Đức).

Chia sẻ bài viết