20/05/2010 - 21:35

Báo động tình trạng người dân dùng phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông qua sông Hậu

Các phương tiện đưa khách qua sông Hậu, vi phạm an toàn giao thông, bị Cảnh sát giao thông thủy (Công an TP Cần Thơ) tạm giữ - Ảnh chụp tại Cảnh sát giao thông ngày 9-5-2010.

Qua “Đường dây nóng” Báo Cần Thơ, bạn đọc đã phản ánh tình trạng nhiều phương tiện giao thông thủy đưa khách qua lại sông Hậu không đảm bảo an toàn giao thông. Các phương tiện này thường đón khách tại bến Đá (ở rạch Sáu Thanh - nhánh sông nối liền với bến phà Cần Thơ). Bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, nhằm phòng tránh tai nạn có thể xảy ra trong mùa mưa bão sắp tới.

Lúc 17 giờ, ngày 14-5-2010, khi đến bến phà Cần Thơ, tôi đã chứng kiến cảnh nhiều người tập trung dưới tán cây trứng cá, trên đường dẫn xuống pon - ton bến phà (bến nhỏ, gần văn phòng Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ) để chờ ghe rước qua bờ Cái Vồn (Vĩnh Long). Hầu hết đều tỏ vẻ mệt mỏi sau ngày mưu sinh vất vả. Bà Phan Thị V. (bà Hai vé số), nói: “Hôm nay, tui may mắn bán được 100 tờ vé số, có đủ để trả tiền nhà trọ rồi! Từ khi có cầu Cần Thơ đến giờ tui cùng nhiều người bán vé số hoặc làm công nhật, ở trọ trong khu nhà trọ của cô Sáu Kh., ngay tại cua cầu Cái Dầu (thị trấn Cái Vồn) nên vẫn chọn cách đi đò để qua Cần Thơ để làm ăn”. Tôi hỏi: Qua sông bằng ghe nhỏ vậy, bà con không sợ nguy hiểm sao? Như bắt đúng mạch, chị Nguyễn Thị Bé N., ở rạch Xẻo Mát (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh), nói: “Tôi phụ việc nhà cho một tiệm vàng ở Trung tâm Thương mại Cái Khế, lương mỗi tháng 1.800.000 đồng. Tôi đi làm bằng xe đạp, nếu đi theo đường cầu Cần Thơ thì quá xa, sức tôi đạp không nổi, còn đi xe honda ôm phải tốn đến 40.000 đồng/lượt, nên tôi gởi xe đạp bên Cái Vồn rồi đi đò qua Cần Thơ, mỗi ngày cũng mất 12.000 đồng cho chi phí tiền đò và tiền gởi xe”. Anh Lý Văn T., ở xã Long Hồ (Long Hồ - Vĩnh Long), cho biết: Tôi qua Cần Thơ làm thợ hồ, mỗi ngày đều đi - về bằng xe buýt. Từ 5 giờ sáng tôi đã có mặt ở bến Cái Vồn, để ngồi đò qua sông Cần Thơ. Mỗi ngày tiền xe, tiền đò 2 lượt hết 30.000 đồng, hôm nào lỡ đi trễ, cỡ 6 giờ sáng là đò hết hoạt động vì sợ bị Cảnh sát giao thông thủy phạt. Những lúc như thế, tôi phải đi xe honda ôm qua Cần Thơ tốn thêm 40.000 đồng, coi như ngày hôm đó làm không công.

Tôi đứng trò chuyện với hành khách qua sông Cần Thơ bằng ghe chừng 15 phút sau, thì thấy dưới tán cây trứng cá đã có cả chục người đến chờ đò, gồm: những người bán vé số, bán hàng rong, thợ hồ và cả những thanh niên mặc quần áo bộ đội, sinh viên, ... dáng vẻ ai cũng mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Một phụ nữ chừng 40 tuổi, xuất hiện, được mọi người gọi là chị T., chủ đò, móc điện thoại di động gọi người lái đò tới rồi hăm he khách: “Chừng nào tôi ra hiệu thì mấy anh, chị đi xuống pon - ton phà thật nhanh nhé, nếu có Cảnh sát giao thông thủy thì nhớ nói là bà con, cùng về nhà bên Cái Vồn, nếu không tui sẽ bị cảnh sát giữ ghe, mai nồi cơm nhà tui bị úp ngược đó”. Tôi hỏi chị T., sao chị không cặp đò ở bến Đá, chị T., tròn mắt, nói: “Cặp ghe ở đó phải trả cho ông Th., chủ bến 10.000 đồng. Do nhà tôi có 3 người làm thợ hồ bên này, nên sẵn ghe cho bà con quá giang, tui lấy của mỗi người chỉ 5.000 đồng”.

Thực tế, trước khi có cầu Cần Thơ, tuyến Vĩnh Long - Cần Thơ (dài gần 30km), người có nhu cầu qua lại, thường dùng phương tiện xe gắn máy, người không có xe gắn máy đa phần là sinh viên, học sinh hoặc những người có thu nhập thấp thì đi xe buýt giá vé 10.000 đồng. Hiện nay, khi có cầu Cần Thơ thì bến xe buýt Vĩnh Long -Bình Minh vẫn nằm tại thị trấn Cái Vồn. Tại thị trấn Cái Vồn và các xã lân cận như Thành Lợi, Tân Qưới, Mỹ Hòa, Đông Bình của hai huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long), cũng có một số người mỗi ngày phải qua bờ Cần Thơ để buôn bán hoặc lao động công nhật, nên phát sinh tình trạng dùng ghe nhỏ để qua sông. Còn bến Đá là phần bờ kè ở ngọn rạch Sáu Thanh, có cầu xi măng rộng khoảng 2 mét. Theo người dân địa phương, khi cầu Cần Thơ sắp hoàn thành, một người tên Th., đã bỏ tiền xây dựng chiếc cầu bê tông này, ông Th., cho biết ông đã đóng chiếc trẹt lớn, như dạng tàu kéo, đang xin phép cơ quan chức năng để hoạt động dịch vụ đưa rước người qua lại bờ Cái Vồn - Cần Thơ.

Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Cần Thơ, khẳng định: Hiện nay, chưa có tư nhân nào đăng ký tổ chức bến bãi để đưa rước người dân qua sông Cần Thơ. Xác định nhu cầu qua lại của người dân, trước khi cầu Cần Thơ khánh thành, Sở Giao thông - Vận tải TP Cần Thơ đã có văn bản xin Bộ Giao thông - Vận tải, cho Sở được quản lý 3 chiếc phà để phục vụ nhu cầu người dân. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải trả lời, hoạt động khai thác bến bãi phà Cần Thơ là việc liên quan đến hai địa phương, thành phố phải xây dựng đề án để trình Bộ Tài chính cùng phê duyệt, Sở đang nỗ lực thực hiện các thủ tục để sớm có phà phục vụ người dân.

Trung tá Vũ Đức Hưng, Phó phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an TP Cần Thơ), cho biết: Tại khu vực bến Đá, vào ngày 30-4-2010, Cảnh sát giao thông thủy đã bắt, tạm giữ 3 phương tiện là ghe chở hàng hóa, nhưng không đăng ký, đăng kiểm. Người điều khiển phương tiện đều cư trú ở huyện Bình Tân và Bình Minh (Vĩnh Long), không có chứng chỉ chuyên môn. Mỗi ghe chở khoảng 20 hành khách, có cả phương tiện xe gắn máy, từ bờ Cái Vồn qua Cần Thơ, nhưng không ai mặc áo phao, rất nguy hiểm. Cảnh sát Giao thông thủy đã lập biên bản xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện trong 10 ngày. Hiện nay, trên đoạn sông này, Cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra, nhưng do nhu cầu qua - lại của bộ phận người dân, nên khó tránh khỏi tình trạng các phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông lén lút hoạt động đưa rước khách

Đại tá Trần Thị Ngọc Đẹp, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Phó Ban An toàn giao thông thành phố, cho biết: Trước khi cầu Cần Thơ khánh thành, Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã có buổi làm việc, thống nhất tăng cường tuyên truyền giáo dục để người dân hai bờ phà ý thức về an toàn giao thông, không dùng phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông để tham quan cầu Cần Thơ hoặc đưa rước khách qua sông. Nhưng đoạn sông này lại quá rộng, lực lượng chức năng khó kiểm soát được, nếu như người dân cố tình vi phạm.

Tình trạng người dân có tâm lý chủ quan, qua sông bằng những phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông, đã được nhiều công nhân công tác tại bến phà Cần Thơ chứng kiến. Ông Nguyễn Thành Tâm có gần 30 năm làm thuyền trưởng lái phà, nói: “Đoạn sông Hậu, từ bờ Cái Vồn qua bờ Cần Thơ rộng trên 2km, vào mùa mưa bão, tôi điều khiển phà 100 tấn qua sông còn khó khăn, nên nếu bà con dùng ghe nhỏ để qua sông như hiện nay thì hậu quả sẽ nguy hiểm khó lường”.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

TẠM GIỮ 10 PHƯƠNG TIỆN ĐƯA RƯỚC KHÁCH NGANG SÔNG HẬU VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH

(CT)- Lúc 6 giờ ngày 20-5-2010, Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Cần Thơ kết hợp với lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) thành phố phát hiện 6 người điều khiển phương tiện giao thông thủy (đều ở tỉnh Vĩnh Long) đưa rước khách ngang sông Hậu (thuộc khu vực Cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Các lỗi vi phạm gồm: điều khiển phương tiện không đăng ký đăng kiểm (ĐKĐK), không chứng chỉ chuyên môn (CCCM), phương tiện tàu khách chở quá số người và đón trả khách không đúng nơi quy định. Trước đó, trong các ngày 19-5-2010 và 30-4-2010, CSGT Công an TP Cần Thơ và lực lượng TTGT thành phố đã bắt 4 trường hợp điều khiển phương tiện không ĐKĐK, không CCCM đúng quy định Luật giao thông đường thủy nội địa... Tất cả các phương tiện trên, lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động, buộc khắc phục lỗi vi phạm, tạm giữ phương tiện 10 ngày.

Theo Phòng CSGT đường thủy Công an TP Cần Thơ, sau khi Cụm phà Hậu Giang ngưng hoạt động, do nhu cầu đi lại của người dân ở bờ Bình Minh sang Cần Thơ để mua bán, học hành, làm việc nên người dân ở bờ Bình Minh lấy phương tiện của gia đình đưa rước khách ngang sông Hậu. Phòng CSGT đường thủy Công an TP Cần Thơ đang kiến nghị Ban An toàn giao thông và ngành chức năng thành phố sớm chấn chỉnh tình trạng trên để hạn chế tai nạn giao thông thủy đáng tiếc có thể xảy ra.

XUÂN ĐÀO


Chia sẻ bài viết