13/12/2007 - 15:09

Bài học huy động sức dân

Tuyến đường Bờ Ao (ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) đã được bê tông hóa từ năm 1999, giờ đã xuống cấp trầm trọng, nhưng khi chính quyền địa phương vận động đóng góp tiền tu sửa thì bà con không đồng tình. Vì sao như vậy?

Tuyến giao thông nông thôn Bờ Ao dài 2.200 mét, bề ngang 2 mét, được đổ bê tông thẳng tắp từ năm 1999. Đến nay, nhiều đoạn đã bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng. Có những đoạn đường bị bong ra những mảng bê tông lớn sụp xuống sông hoàn toàn, có những đoạn bị oằn lún. Những đoạn không được kè chắn thì một phần chân đường đất đã bị xoáy lở sâu. Đây là tuyến đường thủy đi tắt qua An Giang rất gần nên tuyến kinh Bờ Ao lúc nào cũng có ghe, tàu qua lại tấp nập. Mỗi khi tàu lớn đi qua tạo thành những đợt sóng lớn vỗ mạnh vào bờ làm cho hai mé sông sạt lở. Ông Nguyễn Văn Ba, một người dân ấp Vĩnh Lân, bức xúc nói: “Đường xuống cấp gây nhiều khó khăn cho nhân dân trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa. Những đoạn bị sạt lở, bà con phải chạy vòng vào bên trong, đường hẹp, hai xe qua lại rất khó. Vì thế, bà con rất mong gia cố lại những phần bị sạt lở để việc đi lại của nhân dân được thuận lợi”. Đồng chí Lê Trung Tín, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Bà con ấp Vĩnh Lân nhiều lần đề nghị tu sửa lại con đường để phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, trẻ nhỏ đi học được thuận lợi. Đường đi thông suốt, dễ dàng sẽ tạo cho bộ mặt nông thôn khang trang, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa ở địa phương”.

Tuyến giao thông nông thôn kinh Bờ Ao, ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, bị xuống cấp nghiêm trọng.  

Yêu cầu bức xúc như vậy, nhưng khi họp dân bàn việc đóng góp tu bổ con đường thì nhiều hộ không đồng tình. Đồng chí Lê Trung Tín cho biết: “Bà con cho rằng trước đây đã đóng góp làm đường rồi, giờ xuống cấp thì Nhà nước phải đầu tư, vì đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn”.

Qua tiếp xúc nhiều bà con ở đây được biết, nguyên nhân sâu xa khiến bà con nghi ngại là cách vận động đóng góp làm đường trước đây chưa hợp lý, nhiều hộ đến nay vẫn còn nợ tiền đóng góp làm đường. Bà con kể, trước năm 1999, tuyến đường kinh Bờ Ao chỉ là con đường mòn nhỏ, trước nhu cầu đi lại của nhân dân, Ban Nhân dân ấp Vĩnh Lân và chính quyền, đoàn thể xã Vĩnh Trinh đã vận động nhân dân rải cát núi, mở rộng đường 2 mét. Sau thời gian, mưa lũ làm cát trôi dần, con đường vẫn lầy lội. Ông Võ Văn Hùm, một người dân ở ấp Vĩnh Lân, nói: “Trước bức xúc của dân, chính quyền xã, ấp tổ chức họp xin ý kiến làm đường và được bà con đồng tình hưởng ứng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước đầu tư 50%”.

Vấn đề là con đường đã được đưa vào sử dụng hơn 8 năm nhưng một số hộ dân vẫn chưa đóng góp đầy đủ số tiền đã quy định. Qua tìm hiểu được biết, tổng trị giá công trình hơn 470 triệu đồng. Trong đó, phần nhân dân đóng góp hơn 235 triệu đồng, nhưng đến nay UBND xã chỉ thu được hơn 125 triệu đồng, hiện còn 83 hộ chưa đóng góp số tiền hơn 109 triệu đồng, trong đó có 5 hộ thuộc diện nghèo. Vì sao bà con chưa thực hiện nghĩa vụ đóng góp của mình? Ông Sầm Hiệp Quang, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban nhân dân ấp Vĩnh Lân, nguyên Bí thư Chi đoàn ấp, thành viên Ban Giám sát công trình, nhận xét: Công trình giao thông nông thôn kinh Bờ Ao tất cả đều thực hiện đúng theo quy trình quy chế dân chủ, như họp dân lấy ý kiến bà con thống nhất mới thực hiện, thành lập ban giám sát, thi công đúng theo quy cách... Nhưng khi họp dân chỉ lấy ý kiến biểu quyết chung tất cả hộ dân đóng góp 50%, mà không phân đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... để miễn giảm, kêu gọi các hộ khá choàng gánh, mà tất cả đều cào bằng, nên nhiều hộ nghèo không khả năng đóng góp. Vả lại, nhiều hộ khá giả kỳ kèo, đến nay không đóng góp cũng gây sự so bì trong nhân dân”.

Ông Đặng Văn Bớt, một người dân còn nợ 1,7 triệu đồng tiền làm đường, cho rằng: “Khi chính quyền họp lấy ý kiến làm đường, ai cũng đồng tình nên tôi cũng đồng tình. Nhưng do cuộc sống còn khó khăn, làm lúa lời không nhiều, nên gia đình không có tiền để đóng...”. Khi làm đường, hộ bà Nguyễn Thị Ba là hộ nghèo, nhưng chính quyền vẫn ghi vào danh sách đóng góp 1,6 triệu đồng. Bà Ba nói: “Khi họp làm đường thì chồng tôi dự nên tôi không biết gì hết. Khi họp về ổng bảo góp tiền làm đường, nhưng gia đình tôi là hộ nghèo thì tiền đâu mà đóng. Nay chồng tôi chết 4 năm rồi, tôi biết lấy đâu ra tiền để đóng!”. Còn hoàn cảnh chị Lê Thị Phượng, một hộ nghèo được địa phương tặng nhà tình thương, nhà chỉ có 1 công ruộng, một mình vừa bó chổi bán vừa làm thuê nuôi mẹ già, 2 con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn, nhưng vẫn có tên trong danh sách góp tiền làm đường. Chị Phượng nói: “Lúc trước, nhà sắp sập nên chính quyền xét cất cho căn nhà tình thương. Làm đường thì mình cũng ủng hộ chủ trương, nhưng nghèo quá, lo bữa ăn hàng ngày còn khó khăn thì lấy đâu ra hơn 2 triệu đồng đóng tiền làm đường?”.

Chủ tịch UBND xã Lê Trung Tín nói: “Khi họp dân bà con đều đưa tay thống nhất, nhưng khi thu tiền thì bà con không đóng, khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư tái xây dựng các công trình giao thông nông thôn”. Với cách vận động “giơ tay đóng góp”, “dân chủ cào bằng”, bất kể khả năng nghèo, giàu nên hiện nay ở xã Vĩnh Trinh có tới 9 công trình lộ giao thông huy động sức dân song đến nay người dân còn nợ gần 750 triệu đồng chưa thu được cho ngân sách địa phương.

Việc huy động sức dân là một chủ trương đúng, trong thực tế chủ trương ấy đã giúp nhiều địa phương thành công trong việc phát huy sức mạnh trong nhân dân xây dựng nhiều công trình giao thông như cầu, đường, thực hiện đê bao khép kín, nhà tình thương... làm cho bộ mặt các khu dân cư ngày càng đổi mới. Chẳng hạn như, nhân dân ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Cờ Đỏ đã đóng góp hơn 400 triệu đồng xây dựng cầu, đường, đê bao... Trong đó, bà con đóng góp hơn 120 triệu đồng và 1.600 ngày công lao động hoàn thiện 3 khu đê bao khép kín, đưa 100% diện tích đất nông nghiệp chủ động tưới tiêu trong sản xuất. Hay cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã Trung An, huyện Thốt Nốt, đã vận động nhân dân đóng góp bê tông hóa tuyến đường Vạn Lịch đi qua hai ấp Thạnh Lộc 2 và Thạnh Phước 1. Trong đó, UBND xã chỉ hỗ trợ 75 triệu đồng, còn bà con đóng góp 135 triệu đồng... Kinh nghiệm ở những nơi này cho thấy, trong quá trình thực hiện, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã chia nhau đến vận động từng đối tượng cụ thể, trong đó quan tâm vận động những hộ khá, các mạnh thường quân tự nguyện đóng góp nhiều, đồng thời xem xét miễn giảm cho những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Có như vậy, chẳng những không gây thắc mắc, so bì, mà còn tạo sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó trong xóm ấp.

Việc chưa tạo được sự đồng thuận trong vận động nhân dân đóng góp xây dựng giao thông tuyến Bờ Ao ở xã Vĩnh Trinh là một bài học kinh nghiệm trong khơi dậy sức dân đóng góp xây dựng quê hương. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, chắc chắn chính quyền địa phương sẽ còn gặp khó khăn trong vận động nhân dân xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thanh Thy

Chia sẻ bài viết