31/08/2018 - 07:41

Anh hùng Năm Phước và con tàu 69 huyền thoại 

Gần kề kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Trung tá Nguyễn Hữu Phước (Năm Phước), hiện sống ở khu vực 5, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều,  bồi hồi nhớ đến những đồng đội đã hy sinh. Ông tự hào giới thiệu về bức ảnh con tàu không số, có phiên hiệu 69 do Ban Liên lạc truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đã tặng các thành viên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-2011). Cũng vào năm 2011, tập thể Tàu 69 được Chủ tịch Nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND). Riêng vị thuyền trưởng Tàu 69 năm xưa - Trung tá Nguyễn Hữu Phước - vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 10-8-2018.

Đối mặt quân thù trên biển

Sau những chuyến tàu từ miền Nam ra Bắc xin vũ khí thành công, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (nay là Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân) vào ngày 23-10-1961 nhằm vận chuyển cán bộ, vũ khí vào giải phóng miền Nam. Trước đó hơn 3 năm, ông Năm Phước đã được Cục Hải quân (nay là Bộ Tư lệnh Hải quân) đào tạo trở thành thuyền trưởng những con tàu chi viện cho chiến trường miền Nam. “Quê tôi ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Năm 16 tuổi, tôi tham gia kháng chiến chống Pháp đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Lúc đầu, tôi được đơn vị chọn đưa đi học phi công nhưng không đạt tiêu chuẩn vì chân trái bị thương. Vậy là tôi đi học lái tàu” – ông Năm Phước kể.

Tàu 69 trong một lần chuyển vũ khí vào Nam (Ảnh chụp lại tại nhà ông Năm Phước). Ảnh: PHẠM TRUNG
Tàu 69 trong một lần chuyển vũ khí vào Nam (Ảnh chụp lại tại nhà ông Năm Phước). Ảnh: PHẠM TRUNG

7 năm làm thuyền trưởng Tàu 69, ông Năm Phước và đồng đội đã vận chuyển thành công 8 chuyến vũ khí vào miền Nam. Theo ông Phước, giai đoạn 1961-1964, đế quốc Mỹ chưa đưa quân vào miền Nam, nên những chuyến tàu xuất phát từ Hải Phòng đi qua các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sau 5 ngày đêm là cập các bến ở miền Nam. Có khi lực lượng tiếp nhận vũ khí chưa đến kịp, tàu thong dong thả neo ngoài đầu vàm sông chờ nước lớn thì vô sâu bên trong các con rạch. Nhưng từ 1965 trở đi, tàu từ miền Bắc vào bị địch kiểm soát chặt chẽ, theo dõi sát sao bởi các loại hải thuyền, tàu cao tốc PCF, pháo hạm. Trên trời, máy bay của quân đội Sài Gòn, quân đội Mỹ ngày đêm quần thảo, giám sát từng khoảng không. Ngoài ra, hệ thống ra-đa của địch ở các đảo quét chồng lên nhau nên nắm rõ hướng đi các phương tiện trên biển. Các con tàu không số dưới dạng tàu cá phải đi ra hải phận quốc tế, xuống tận vùng biển Malaysia rồi vòng trở lên Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre... để đánh lạc hướng địch. Thời gian tàu đi dài thêm 2 ngày.

Chỉ tay về tấm ảnh con Tàu 69 (do hải quân Mỹ chụp) treo trên vách nhà, ông Năm Phước giải thích: “Tuy là tàu không số nhưng con tàu tôi lái có phiên hiệu 69, ngụy trang dưới dạng tàu cá của Đài Loan. Số 6 là thứ tự tàu, còn số 9 là lúc đó đơn vị có 9 chi bộ. Tàu 69 chở được 62 tấn vũ khí. Vì tàu chở hàng nhiều, lúc nào cũng đầy khoang, nên anh em gọi vui là “bà bầu đi biển”. Những chuyến Tàu 69 vào Nam đều thành công cho đến chuyến thứ 8, ngày 1-1-1967. Sau khi giao vũ khí ở bến Vàm Lũng (xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Tàu 69 về miền Bắc thì bị địch phát hiện vào lúc 21 giờ 30 phút. Địch cho một chiếc tàu cao tốc PCF đuổi theo với tốc độ khoảng 60km/giờ. Trong khi đó “bà bầu” chỉ chạy được tối đa 22km/giờ. Biết khó thắng được tốc độ của tàu địch, ông Năm Phước ra lệnh cho toàn bộ thủy thủ đoàn sẵn sàng chiến đấu. Riêng ông bình tĩnh cho tàu chạy chậm lại. Phía sau, chiếc PCF vừa bắn theo vừa phát loa kêu gọi đầu hàng. Đợi tàu địch áp gần chừng 50m, ông Năm Phước ra lệnh nổ súng. Cán bộ, chiến sĩ Tàu 69 đồng loạt bắn 5 khẩu DKZ, B41 về phía chiếc PCF. Tàu địch cũng bắn trả vài loạt đạn rồi chìm xuống biển đêm.

“Anh Đoàn Văn Dĩ, thủy thủ trưởng, hy sinh vì khi anh bắn khẩu DKZ về phía địch cũng là lúc chúng nổ súng. Chúng tôi đặt xác anh trên sàn tàu rồi tiếp tục chiến đấu. Lúc này, pháo hạm địch từ hướng Côn Đảo về bắn pháo sáng rợp trời để giữ chân, không cho chúng tôi thoát” – ông Năm Phước kể với giọng xúc động. Quân địch từ căn cứ Năm Căn tiếp tục cho 5 chiếc PCF ra dàn trận tấn công Tàu 69. Địch đuổi theo bắn nhưng duy trì đội hình ở cự ly hơn 1km nhằm tránh hỏa lực từ Tàu 69. Trên trời, 2 chiếc máy bay liên tục thả pháo sáng rực cả vùng biển. Lần này, ông Năm Phước ra quyết định táo bạo: vừa tổ chức chiến đấu vừa cho tàu quay về bến Vàm Lũng. Cán bộ, chiến sĩ Tàu 69 vừa chiến đấu vừa vượt hơn 50km về bến. Khi đến gần bờ, Tàu 69 được lực lượng của Đoàn 962 bắn ra yểm trợ, buộc các tàu địch phải rút lui. Kết thúc trận đánh, 7 cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 69 hy sinh và bị thương. “Tàu của chúng tôi bị địch bắn trúng 121 phát đạn nhưng không chìm vì các lỗ đạn đều nằm trên mặt nước. Ngày hôm sau, đài của địch đưa tin tối qua vừa tiêu diệt một tàu của Bắc Việt chi viện cho cộng sản miền Nam. Trong khi con tàu được chúng tôi cất giấu tại Cà Mau vẫn an toàn. Từ năm 1967 đến 1969, có thêm 6 cán bộ, chiến sĩ Tàu 69 hy sinh khi bảo vệ tàu…” - ông Năm Phước kể.

Tấm hải đồ kỷ vật

Trên chiếc bàn cạnh chỗ ông Năm Phước nằm nghỉ luôn có một tấm hải đồ Việt Nam. Tấm hải đồ kích thước khoảng 2mx2m, tỷ lệ 1:1.000.000. Ông Phước cho biết tấm hải đồ này theo ông từ ngày làm thuyền trưởng Tàu 69, tính ra đã tròn 57 năm. Ông xem tấm hải đồ như một báu vật. Mỗi khi được mời nói chuyện với sinh viên, đoàn viên thanh niên về đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Năm Phước mang tấm hải đồ theo để các bạn dễ hiểu, thấu cảm được nỗi gian khổ, nguy hiểm của cha anh trên con đường huyền thoại.

Thuyền trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Hữu Phước và tấm Hải đồ Việt Nam. Ảnh: PHẠM TRUNG
Thuyền trưởng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Hữu Phước và tấm Hải đồ Việt Nam. Ảnh: PHẠM TRUNG

Nâng niu tấm hải đồ ố vàng, vài chỗ bị rách, ông Năm Phước nhờ tôi treo nó lên rồi say sưa kể về những hành trình của các con tàu không số. Nhờ tấm hải đồ này ông Năm Phước và cán bộ, chiến sĩ Tàu 69 đã vận chuyển thành công 8 chuyến hàng, chở gần 500 tấn vũ khí vào các bến ở Cà Mau, Trà Vinh. Tàu cũng đưa nhiều cán bộ cao cấp vào miền Nam công tác. “Trên biển, tôi phải làm nhiệm vụ nên ít nói chuyện với các yếu nhân. Nhưng lần nọ, gió xuôi, biển êm nên tôi có dịp trò chuyện với chị Bảy Vân (phu nhân cố Tổng Bí thư Lê Duẩn), GS Nguyễn Thiện Thành là thân phụ của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh hiện nay. Tôi nhớ lúc đó GS Thành rất tự hào về cậu con trai của mình”. Đó là năm 1964, Tàu 69 chuẩn bị cập bến Vàm Lũng thì nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân: “Bến động! Tàu 69 lập tức di chuyển về Hải Nam chờ lệnh!”. Dò tọa độ trên tấm hải đồ, ông Năm Phước cho tàu về đảo Hải Nam.

Tàu 69 ở Hải Nam 3 ngày mới đưa đoàn cán bộ cấp cao quay lại Cà Mau. Lúc vô bờ, GS Nguyễn Thiện Thành bắt tay ông Năm Phước, khen: “Thuyền trưởng Năm Phước giỏi quá! Đi 5 ngày đêm trên biển, chỉ có tấm hải đồ mà vẫn cho tàu vô đúng bến”. Thật trùng hợp, tháng 8-2018, tại Bộ Tư lệnh Hải quân (TP Hải Phòng), chính đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông Năm Phước. Trước đó vào năm 2015, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, khi còn là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đã tìm đến nhà thuyền trưởng Năm Phước để thăm hỏi. Vì trước khi qua đời, GS Nguyễn Thiện Thành có dặn dò con trai đi tìm lại thuyền trưởng Năm Phước. Nếu gia đình ông có khó khăn thì tìm cách giúp đỡ.

86 tuổi, anh hùng Nguyễn Hữu Phước vẫn minh mẫn, sôi nổi, giọng hào sảng khi nhắc về con tàu anh hùng và đồng đội năm xưa. Bây giờ, ông Năm Phước sống cùng gia đình con trai ở khu vực 5, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Hằng ngày, sau những giờ tập thể dục, ông phụ nấu ăn cho con cháu. Sau đó ông đọc báo, xem tivi. An hưởng tuổi già, vị thuyền trưởng anh hùng luôn nhớ về những ngày gian khổ, cùng đồng đội ngang dọc Biển Đông trên con Tàu 69 đã trở thành huyền thoại, là biểu tượng lòng can đảm, ý chí kiên cường của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết