06/04/2011 - 08:55

Yemen, Bờ Biển Ngà và những đòn giáng từ bên ngoài

Sau một thời gian né tránh đề cập đến khả năng rời bỏ quyền lực của Tổng thống Yemen Ali Saleh, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ đã công khai nói đến vấn đề này. Trong khi đó, lực lượng Liên Hiệp Quốc và Pháp đã bắt đầu tấn công các thành trì của Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo ở Bờ Biển Ngà.

Mỹ mất kiên nhẫn với đồng minh Saleh ở Yemen

Người Yemen biểu tình đòi ông Saleh từ chức. Ảnh: Reuters 

Báo chí Mỹ ngày 5-4 tiết lộ rằng Nhà Trắng đã quyết định chấm dứt việc ủng hộ ông Saleh, người đã cầm quyền ở Yemen 32 năm qua và được coi là đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo Thời báo New York, Washington đã tham gia tiến trình thương lượng về kế hoạch từ chức của ông Saleh, được khởi động từ hơn một tuần trước. Trọng tâm cuộc thương lượng là đề xuất ông Saleh chuyển giao quyền lực cho một chính phủ lâm thời dưới sự lãnh đạo của phó tổng thống cho tới khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức. Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner xác nhận các đặc phái viên của Mỹ đang tham vấn với các bên tại Yemen, tuy nhiên ông từ chối cung cấp chi tiết. Theo Thời báo New York, mục đích của Washington vẫn là duy trì cuộc chiến chống khủng bố tại Yemen.

Tuy nhiên, Tổng thống Saleh tuyên bố không từ chức. Phát biểu trước những người ủng hộ hôm 4-4, ông Saleh khẳng định sẽ đứng vững và cam kết bằng mọi cách bảo vệ tính hợp hiến của chính phủ. Trong khi đó, làn sóng biểu tình đòi ông Saleh rời bỏ quyền lực tiếp tục gia tăng tại nhiều nơi ở Yemen. Theo các nguồn tin, tại tỉnh Taez, ít nhất 17 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương nặng, trong các vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát với người biểu tình. Tại tỉnh Hodayda, hàng nghìn người biểu tình đã xung đột với cảnh sát và những người ủng hộ chính phủ, làm khoảng 300 người bị thương.

Lực lượng LHQ và Pháp mạnh tay với Gbagbo ở Bờ Biển Ngà

Phát ngôn viên của Phái bộ LHQ ở quốc gia này (UNOCI), ông Hamadoun Toure cho biết hôm qua 5-4, máy bay trực thăng của UNOCI và lực lượng Licorne của Pháp đã tấn các công doanh trại quân đội, tư gia và dinh thự của Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo ở Abidjan. Hành động này diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara phát động một cuộc tấn công tổng lực cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.

Chính phủ Libye sẵn sàng tiến hành bầu cử và thay đổi hệ thống chính trị

Ngày 4-4, người phát ngôn Chính phủ Libye Mussa Ibrahim cho biết Libye sẵn sàng thương lượng về các vấn đề cải cách liên quan đến tổ chức bầu cử, trưng cầu ý dân và cải cách hệ thống chính trị, tuy nhiên ông khẳng định không đàm phán về vấn đề từ chức của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi. Ông Ibrahim khẳng định ông Gadhafi là tác nhân tạo sự đoàn kết trong nhân dân và các bộ lạc Libye, vì vậy ông phải là người đóng vai trò lãnh đạo trong tiến trình chuyển giao quyền lực dân chủ và minh bạch ở đất nước này. Ông Ibrahim cũng tuyên bố Tripoli sẵn sàng đàm phán với phương Tây, song khẳng định phương Tây không có quyền quyết định người dân Libye phải làm gì.
Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra dữ dội. Tại Brega, lực lượng chống chính phủ đã tiến hành cuộc tấn công mới để giành lại thành phố dầu mỏ này. Theo thông tin của phe đối lập, lực lượng thân chính phủ đã tấn công các mỏ dầu ở khu vực phía Nam, nơi lực lượng nổi dậy hy vọng sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến chống chính phủ. Phe đối lập lo ngại các lực lượng ủng hộ chính phủ sẽ tấn công thêm các mỏ dầu khác và kêu gọi NATO, LHQ hành động để ngăn chặn cuộc tấn công này.

Ông Toure khẳng định chiến dịch trên “phù hợp với nhiệm vụ và Nghị quyết số 1975 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 30-3”. Chính phủ Pháp cũng xác nhận các binh sĩ nước này và LHQ đã tiến hành chiến dịch nhằm “vô hiệu hóa mọi vũ khí được các chiến binh của ông Gbagbo sử dụng chống lại dân thường” theo tinh thần nghị quyết trên. Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi thư tới Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề nghị Pháp hỗ trợ các chiến dịch tại Bờ Biển Ngà sau khi trụ sở của UNOCI ở Abidjan bị lực lượng của ông Gbagbo tấn công làm 4 nhân viên bị thương.

Phản ứng trước các diễn biến trên, cố vấn Toussaint Alain của ông Gbagbo lên án những cuộc tấn công của binh sĩ LHQ và Pháp là “bất hợp pháp và chẳng khác nào một vụ mưu sát” nhằm vào ông Gbagbo.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đã ủng hộ các nỗ lực của LHQ, đồng thời kêu gọi Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo từ chức. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Bờ Biển Ngà và đã thảo luận với Tổng thống Gabon Ali Bongo, tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại đây càng sớm càng tốt.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết