19/10/2024 - 13:59

Xu hướng ngại sinh con của phụ nữ Nam Á 

Zuha Siddiqui, một nhà báo nữ 30 tuổi ở Pakistan, gần đây bận rộn thiết kế và tìm kiếm nội thất cho ngôi nhà mới ở thành phố Karachi, sống cùng cha mẹ. Nhưng bất chấp dự định về một tổ ấm riêng, Siddiqui lại là một trong số nhiều người trẻ ở Nam Á lựa chọn không sinh con.

Ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu là một nguyên nhân khiến người dân Nam Á hoãn sinh con. Ảnh: Al Jazeera

Lâu nay, việc tỷ lệ sinh giảm chủ yếu liên quan đến các quốc gia phương Tây và Đông Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc), nhưng các nước Nam Á cuối cùng cũng có dấu hiệu đi theo con đường tương tự. Theo ấn phẩm năm 2024 của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ về so sánh tỷ suất sinh (số con trung bình mà một phụ nữ sinh) trên toàn cầu, tỷ suất sinh tại Ấn Độ dự kiến ​​sẽ giảm xuống còn 1,29 vào năm 2050 và chỉ còn 1,04 vào năm 2100. 

Ở Pakistan, tỷ suất sinh hiện vẫn cao hơn tỷ lệ thay thế nhưng rõ ràng là thanh niên nước này không tránh khỏi những áp lực của cuộc sống hiện đại. Những năm gần đây, tình trạng lạm phát cao, chi phí sinh hoạt gia tăng, thâm hụt thương mại và nợ kéo dài đã làm mất ổn định nền kinh tế Pakistan. 

Giống như nhiều người trẻ tuổi ở Pakistan, Siddiqui vô cùng lo lắng về tương lai và liệu cô có đủ khả năng tài chính đảm bảo một mức sống tốt hay không. Nữ phóng viên quyết định không sinh con hoàn toàn là vì vấn đề kinh tế. Siddiqui đã phải trải qua thời thơ ấu trong sự bất an về tài chính và cha mẹ cũng không lập kế hoạch tài chính cho con khi lớn lên. Một số người bạn gái trong độ tuổi 30 của cô cũng quyết định không sinh con vì ngại vấn đề tiền bạc.

Được biết, mặc dù tốc độ lạm phát ở Pakistan đã chậm hơn trước, nhưng chi phí sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng ở nước này. Và không chỉ Pakistan, hầu hết các quốc gia khác ở Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu việc làm và nợ nước ngoài. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu vẫn tiếp diễn, nhiều cặp đôi thấy rằng họ phải làm việc cật lực hơn trước và không còn nhiều thời gian cho cuộc sống cá nhân hoặc nuôi dạy con cái.

Mất cân bằng cuộc sống và công việc

Hồi năm 2022, nhà xã hội học Sharmila Rudrappa tiến hành một nghiên cứu về lý do đằng sau tình trạng “vô sinh ngoài ý muốn” trong các nhân viên công nghệ thông tin ở Ấn Độ. Những người tham gia cho biết họ thiếu thời gian để tập thể dục, nấu ăn và chủ yếu là họ thiếu thời gian chăm sóc cho các mối quan hệ. Công việc cũng khiến họ kiệt sức, không có nhiều thời gian cho sự gần gũi về mặt xã hội hoặc tình dục.

Cô Mehreen, 33 tuổi, người đang sống cùng với gia đình chồng tại  Karachi, nói rằng hai vợ chồng đang phân vân về việc sinh con. Về mặt tình cảm, họ vẫn muốn có con. Nhưng về lý trí, đó lại là một câu chuyện khác. Mehreen cho rằng nhiều người thuộc thế hệ trước coi việc có con là cách để đảm bảo an toàn tài chính cho bản thân trong tương lai (vì kỳ vọng con cái sẽ chu cấp cho cha mẹ khi về già), nhưng điều đó là không thể ở thế hệ của cô, nhất là với tình hình suy thoái kinh tế quốc gia như hiện tại.

Bên cạnh tiền bạc và trách nhiệm chăm sóc gia đình, những yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con của Mehreen. Cô cho rằng không nên mang thêm một sinh mạng vào một thế giới đang hỗn loạn như hiện tại. Với tâm lý giống như Mehreen, nhiều người Nam Á lo lắng về việc nuôi dạy con cái trong một thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, còn tương lai có vẻ bất định.

Một số nhà nghiên cứu nhận xét rằng Nam Á là một trong những khu vực trên thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo Chất lượng không khí thế giới năm 2023 của tổ chức giám sát chất lượng không khí IQAir (Thụy Sĩ), các thành phố thuộc các quốc gia Nam Á - bao gồm Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ - có chất lượng không khí tệ nhất trong số 134 quốc gia được theo dõi. Chất lượng không khí kém được biết là có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe con người.

NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết