19/10/2024 - 10:08

Chuyến công du “chớp nhoáng” của ông Biden 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17-10 đã tới Berlin trong chuyến thăm “chớp nhoáng” để thảo luận với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Anh về cuộc xung đột ở Trung Đông, hỗ trợ Ukraine và nhiều vấn đề quốc tế khác.

Tổng thống Mỹ Biden (phải) và Thủ tướng Đức Scholz trong một cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 3. Ảnh: CNN

Chuyến công du kéo dài 24 giờ, diễn ra  1 tuần sau khi ông Biden thông báo hoãn chuyến thăm đã được lên lịch trước đó tới Đức và Angola để ở lại giám sát diễn biến của siêu bão Milton. 

Nói về chuyến thăm Đức của Tổng thống Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre mô tả ông Biden “có mối quan hệ thân thiết” với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người hồi đầu năm nay đã giúp làm trung gian trong một cuộc trao đổi tù nhân, đưa nhà báo Evan Gershkovich và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan trở về Mỹ. Cả hai đều bị bỏ tù ở Nga vì tội gián điệp. Do đó, chuyến thăm này được coi là một phần để thể hiện mối quan hệ đối tác đó trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào tháng 1-2025. “Ông ấy muốn cảm ơn Thủ tướng Scholz vì sự hỗ trợ đó và vì sự lãnh đạo của ông ấy. Đó là những gì bạn thấy trong chuyến đi này” - bà Jean-Pierre phát biểu với báo giới.

Daniela Schwarzer, chuyên gia chính sách đối ngoại của Quỹ Bertelsmann (Đức), cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Scholz là một tín hiệu nhằm gửi tới Nga về quyết tâm của phương Tây, qua đó cho thấy sự ủng hộ không lay chuyển của họ đối với Ukraine. Theo bà Schwarzer, ông Biden thông qua chuyến thăm cũng muốn gửi thông điệp về Quốc hội Mỹ rằng việc hỗ trợ của Washington đối với Kiev là cấp thiết.

Reuters cho hay, ông Biden và ông Scholz sau đó còn có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khác trong “Bộ tứ châu Âu”, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ngoài Ukraine, các nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề về quan hệ Liên minh châu Âu, các giá trị dân chủ, các vấn đề về thương mại và công nghệ, chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng ở Trung Đông cũng như các vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm Đức của Tổng thống Biden diễn ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến công du khắp châu Âu nhằm thúc đẩy “kế hoạch chiến thắng” trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2,5 năm ở nước này. Hiện Mỹ và Đức là nguồn viện trợ lớn nhất của Ukraine. “Tuy nhiên, đây là thời điểm mà ngoài việc ủng hộ rõ ràng đối với Ukraine, chúng ta cũng phải làm mọi cách có thể để đảm bảo rằng cuộc chiến này không kéo dài mãi mãi, không tiếp tục lấy đi sinh mạng của lượng lớn phụ nữ và nam giới” - Thủ tướng Scholz nhấn mạnh.

Tuy ông Biden không có kế hoạch gặp ông Zelensky khi ở châu Âu nhưng ông chủ Nhà Trắng hôm 16-10 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 425 triệu USD cho Kiev trong cuộc điện đàm với ông Zelensky. Như vậy, Mỹ đến nay đã viện trợ cho Ukraine số tiền lên tới hơn 64 tỉ USD.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới làm tăng thêm tính cấp bách về vấn đề Ukraine, giữa bối cảnh quan ngại xung quanh cách thức xử lý của cả 2 ứng cử viên, bà Kamala Harris và ông Donald Trump, đối với cuộc xung đột sau khi đắc cử.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết