19/10/2024 - 11:56

Chủ động ứng phó khi lũ thượng nguồn đổ về, triều cường xuất hiện 

Theo dự báo, những ngày sắp tới nước thượng nguồn ĐBSCL đổ về kết hợp triều cường rằm tháng 9 âm lịch sẽ lên cao vượt báo động III (2m), đe dọa sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ. Đặc biệt, các đê bao bảo vệ lúa thu đông, vườn cây ăn trái, các cồn trên sông có khả năng nước chảy tràn, đe dọa sạt lở… Công tác ứng phó triều cường, nước lũ đổ về đang cần sự tập trung ứng phó khẩn cấp của các địa phương trong vùng.

Triều cường dâng cao

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), vụ lúa thu đông năm 2024, ĐBSCL xuống giống khoảng 700.000ha, thấp hơn 6% so với năm 2023. Diện tích lúa thu đông hiện tập trung lớn nhất ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh. Trong đó có nhiều địa phương đang tập trung thu hoạch lúa thu đông. Bên cạnh đó, ĐBSCL có diện tích cây ăn trái khoảng 370.000ha, với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa và nhiều loại cây ăn trái khác đã xuất sang các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Năm 2024 ước sản lượng các loại cây ăn trái chính (xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, mít…) toàn vùng ĐBSCL là 5,777 triệu tấn, so với năm 2023 sản lượng tăng 429.700 tấn… Đây là diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cần tập trung bảo vệ trong những tháng nước lũ thượng nguồn đổ về và triều cường lên cao.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái tại cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) khi triều cường lên cao.

Tại TP Cần Thơ, hiện diện tích cây ăn trái trên 25.000ha, với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đang xuất khẩu vào các thị trường nhiều nước. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhận định: “Với diện tích trên 25.000ha, sản lượng trái cây của thành phố hằng năm duy trì trên 200.000 tấn. Trong đó nhiều loại trái cây chủ lực như xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Trái cây của Cần Thơ vào được các thị trường khó tính nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hệ thống đê bao đã tạo điều kiện liên kết sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu… Diện tích cây ăn trái đang được người dân, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tập trung bảo vệ, ngăn chặn ngập nước do triều cường, lũ, gây hư hại  cây trồng”.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam dự báo: mực nước đỉnh lũ tháng 10 ở ĐBSCL  khả năng lên cao vào những ngày sắp tới. Vùng giữa  ĐBSCL (có TP Cần Thơ) mực nước đỉnh lũ tháng 10 biến đổi phổ biến ở mức báo động II, báo động III, một số trạm trên mức báo động III, thời gian đạt đỉnh vào ngày 18 đến 21-10-2024, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), cao hơn cùng kỳ năm 2023. Vùng ven biển ĐBSCL, mực nước đỉnh lũ tháng 10 cũng xuất hiện vào ngày 18 đến 21-10, phổ biến ở mức bao động II - báo động III đối với các trạm thuộc vùng ven biển Đông và phổ biến từ báo động II - báo động III và trên mức báo động III đối với các trạm thuộc khu vực ven biển Tây, cao hơn TBNN.

Tại TP Cần Thơ, dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch tiếp tục lên cao và vượt mức báo động III từ nay đến hết ngày 21-10. Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hằng ngày vào lúc sáng sớm 5-8 giờ và chiều tối lúc 17-20 giờ. Đây là đợt triều cường có đỉnh triều cao vượt mức báo động III từ 0,18-0,28m. Cần chú ý thời tiết xấu do ảnh hưởng của không khí lạnh gió mùa Đông Bắc tràn về, nên trong những ngày triều cường kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng trên diện rộng tại những khu vực trũng thấp, vùng nội ô ven sông của thành phố, vườn cây ăn trái... Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở mức cấp độ 2.

Tập trung bảo vệ sản xuất

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, với mức triều cường, lũ chính vụ năm 2024 như trên, về cơ bản hệ thống ô bao, bờ bao trên vùng thượng ĐBSCL đủ khả năng đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, do triều cường được dự báo ở mức cao kết hợp mưa cục bộ ngày càng bất thường nên khả năng gây ảnh hưởng ngập úng ở các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ở ĐBSCL, đặc biệt vào các ngày triều cường cao từ 18 đến 21-10. Vì vậy, các tỉnh, thành ở vùng giữa và vùng ven biển cần gia cố hệ thống đê bao, bờ bao để ứng phó với triều cường và lũ kết hợp triều cường.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cũng đánh giá mức đảm bảo của hệ thống ô bao, bờ bao tại các địa phương thuộc vùng thượng và vùng giữa ĐBSCL ứng với mức lũ chính vụ kết hợp triều cường từ ngày 18 đến 21-10, cho thấy có khoảng 117 ô bao có nguy cơ bị ảnh hưởng, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 23.074ha. Trong đó, tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng nhiều nhất với 92 ô bao, diện tích 18.529ha; tỉnh Kiên Giang có 1 huyện bị ảnh hưởng gồm 7 ô bao, diện tích 1.249ha; tỉnh Vĩnh Long bị ảnh hưởng 18 ô bao, với diện tích 3.296ha…

Đối với các hệ thống thủy lợi thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL gồm những hệ thống thủy lợi khép kín Gò Công, Nhật Tảo - Tân Trụ, Nam Măng Thít, Long Phú - Tiếp Nhật, Ba Rinh - Tà Liêm… cơ bản an toàn ứng với mức lũ và triều như dự báo. Các hệ thống thủy lợi khác và các vùng ven sông do chưa khép kín nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn ứng với mức lũ và triều như dự báo (do cao trình các ô bao bảo vệ sản xuất bên trong nội đồng ở mức thấp và chưa được đầu tư kiên cố). Các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang và Kiên Giang cần hết sức đề phòng ngập úng do mưa và triều cường. Những tiểu vùng tuy đã có ô bao khép kín nhưng do địa hình thấp, cao trình bờ đê bao ở mức thấp, chân triều cao nên khó khăn trong việc tiêu rút nước và dễ xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn và triều cường. Vì vậy, các bác địa phương cần đề phòng và có các phương án chủ động ứng phó. Những tiểu vùng chưa khép kín, nguy cơ xảy ra ngập úng ở mức cao hơn so với các tiểu vùng khép kín, cần hết sức lưu ý đặc biệt trong trường hợp triều cường cao kết hợp mưa lớn gây ngập úng diện rộng…

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam - Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Đỉnh lũ chính vụ năm 2024 được nhận định ở mức xấp xỉ mức báo động I, nên hầu như không ảnh hưởng đến sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng thượng ĐBSCL. Tuy nhiên, do triều cường tháng 10 dự báo ở mức cao (đặc biệt trong kỳ triều từ ngày 18 đến 21-10) và mưa dự báo tháng 10 cao hơn TBNN, nhiều khả năng gây ngập úng các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL, nhất là trên địa bàn các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL. Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo mưa, lũ, triều cường từ các tổ chức như MRC, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn các địa phương, Dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam để kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết