13/11/2008 - 08:56

Vì sao Italia quyết tâm cải cách giáo dục?

Biểu tình phản đối kế hoạch cải cách giáo dục tại Italia. Ảnh: BBC

Kế hoạch cải cách giáo dục của chính phủ Italia đang vấp phải làn sóng biểu tình phản đối chưa từng có trong vòng 15 năm trở lại đây, với sự tham gia của hàng triệu lượt học sinh- sinh viên, giáo viên và phụ huynh trên khắp các thành phố lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng Silvio Berlusconi vẫn tỏ ra không hề nao núng và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Vì sao?

Điều gây bất bình nhất của luật cải cách giáo dục là trong vòng 4 năm tới, chính phủ sẽ cắt giảm 10,2 tỉ USD ngân sách cho giáo dục, đồng thời cắt hợp đồng đối với 87.000 giáo viên, tức 7% lực lượng lao động trong ngành này. Chẳng hạn, ở cấp tiểu học, thay vì 3 giáo viên phụ trách hai lớp, luật mới quy định mỗi lớp chỉ được một giáo viên. Thời gian học tại trường cũng sẽ bị cắt giảm, từ 29-31 giờ/tuần hiện nay xuống còn 24 giờ/tuần. Ước tính, với việc cắt giảm giờ học như trên, ngành giáo dục sẽ tiết kiệm được 9,82 tỉ USD trong 4 năm tới.

Đối với giáo dục bậc cao, chính phủ cũng cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, trước mắt, để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, luật mới cho phép cắt giảm 20% ngân sách đối với những đại học nào quản lý không tốt nguồn quỹ của nhà trường, nhưng sẽ bổ sung ngân sách cho những trường sử dụng tài chính hiệu quả. Từ năm 2009, chính phủ cũng sẽ tăng học bổng nghiên cứu dành cho sinh viên thêm 170 triệu USD, và bổ sung ngân sách cho các trường đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy.

Theo các nhà phân tích, mục tiêu của chính sách cải cách giáo dục ở Italia là cắt giảm chi tiêu ngân sách trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang xuống dốc dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hơn nữa, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hiện chi tiêu cho bậc tiểu học ở Italia cao hơn mức trung bình của tổ chức này. Cụ thể, chi tiêu cho mỗi học sinh tiểu học ở Italia là 7.390 USD/năm, so với 5.832 USD/năm của OECD.

Tuy nhiên, việc cắt giảm chi tiêu đối với giáo dục bậc cao là điều gây tranh cãi, bởi đầu tư của chính phủ Italia cho mỗi sinh viên chỉ là 7.723 USD/năm, thấp hơn so với 11.000 USD/năm của OECD. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp phàn nàn về chất lượng của sinh viên Italia sau khi ra trường, khiến họ trở thành nhóm đối tượng bị thất nghiệp cao nhất. Thống kê năm 2006 cho biết, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung tại nước này chỉ vào khoảng 6,5%, thì 17,6% sinh viên ra trường bị thất nghiệp và chỉ có 39% có công việc ổn định. Mặt khác, Italia là một trong những nước có tỷ lệ sinh viên bỏ học cao nhất trong số các nước phát triển, số sinh viên ra trường chỉ bằng phân nửa đầu vào.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu Italia không nhanh chóng cải cách giáo dục đại học thì khả năng cạnh tranh việc làm của sinh viên nước này ngày càng lép vế trước làn sóng nhập cư tự do của sinh viên các nước châu Âu khác. Cho nên, chính quyền Italia một mặt cắt giảm chi tiêu ngân sách cho giáo dục bậc cao, nhưng mặt khác lại tăng học bổng nghiên cứu cho sinh viên, đồng thời tăng ngân sách cho các trường đào tạo có chất lượng.

PHÚC GIA AN (Theo CSmonitor, Ansa, The Age)

Chia sẻ bài viết