02/05/2019 - 19:40

Vận chuyển nội tạng cấy ghép bằng máy bay không người lái 

Lần đầu tiên trên thế giới một quả thận được dùng để ghép tạng đã được vận chuyển bằng máy bay không người lái. Đây là một bước tiến lớn giúp việc vận chuyển nội tạng cấy ghép nhanh hơn và an toàn hơn với mức chi phí hợp lý.

Thông báo ngày 1-5 của Trung tâm Y tế thuộc Đại học Maryland, Mỹ, cho biết chiếc máy bay không người lái công nghệ cao được thiết kế đặc biệt đã thực hiện hành trình dài 5km vận chuyển quả thận đến với người nhận, là một nữ bệnh nhân 44 tuổi. Bệnh nhân này đã phải mất 8 năm để lọc máu trước khi được cấy ghép. Sau khi được cơ quan quản lý hàng không chấp thuận, máy bay không người lái trên đã cất cánh ngày 19-4 và bay ở độ cao 120 m trong 10 phút để đến đúng địa chỉ.

Bác sĩ Joseph Scalea, thành viên nhóm thực hiện ca cấy ghép, đã hoan nghênh thành công của dự án, nhấn mạnh rằng việc vận chuyển nội tạng cấy ghép bằng máy bay không người lái rút ngắn thời gian vận chuyển, hạn chế các yếu tố bên ngoài tác động như tắc đường..., qua đó đảm bảo chất lượng bộ phận nội tạng cấy ghép. Ngoài ra, chi phí hợp lý cũng là một ưu điểm không thể bỏ qua. Giới chuyên gia đã so sánh hình thức vận chuyển nội tạng cấy ghép này với mô hình xe đi chung Uber.

Các phương tiện vận chuyển nội tạng cấy ghép hiện nay chủ yếu là các máy bay thuê với chi phí cao hoặc trên các chuyến bay thương mại, nguy cơ chậm trễ cao với chi phí thông thường vào khoảng 5.000 USD. Ước tính khoảng 1,5% các ca vận chuyển nội tạng được hiến tặng từ người đã khuất không đến được đích, trong khi gần 4% trường hợp bị trễ hai hoặc thậm chí là nhiều giờ so với kế hoạch.

ĐẶNG ÁNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết