18/08/2008 - 08:45

Ukraina "gây hấn" với Nga

Tàu chiến Nga tại cảng Sevastopol.

Cuộc xung đột Nga-Gruzia và việc Ba Lan chấp nhận cho Mỹ triển khai một phần “lá chắn tên lửa” trên lãnh thổ nước này dường như chưa phải là giới hạn cuối cùng trong căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Ukraina, quốc gia láng giềng của Nga, đang khao khát gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gần đây liên tục có những động thái khiêu khích Mát-xcơ-va.

Cuối tuần rồi, Ukraina tuyên bố sẽ tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Ngoài ra, Kiev còn cho biết sẽ mở cửa Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa cho các đối tác châu Âu và những cường quốc khác. Theo Tổng thống Viktor Yushchenko, Ukraina phải bảo vệ chủ quyền quốc gia thông qua hình thức an ninh tập thể, và có như vậy mới “ngăn chặn được các hành động tương tự như ở Gruzia vừa qua”. Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa trước đây do Ukraina và Nga hợp tác vận hành nhưng Quốc hội Nga hồi đầu năm nay đã quyết định rút ra để phản đối việc Kiev nộp đơn xin gia nhập NATO.

Nhưng gây khó chịu nhất cho Mát-xcơ-va có lẽ là việc Kiev cố tình gây khó dễ cho Nga trong cuộc chiến với Gruzia, một đồng minh thân cận của Ukraina. Ngày 15-8, ông Yushchenko cho biết vừa đề nghị Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhanh chóng tái đàm phán về việc Nga thuê cảng Sevastopol của Ukraina làm căn cứ cho Hạm đội Biển Đen. Hai ngày trước đó, Tổng thống Yushchenko đã ký sắc lệnh yêu cầu Hạm đội Biển Đen phải xin phép Ukraina ít nhất 72 giờ trước khi tàu chiến hoặc máy bay Nga đi ngang biên giới Ukraina. Trong “Cuộc chiến 5 ngày” với Gruzia, Nga điều 4 tàu chiến của Hạm đội Biển Đen tới Gruzia và đánh chìm 1 tàu của Gruzia (Tbilisi nói rằng có tới 3 tàu của họ bị đánh chìm). Kiev đòi Hạm đội Biển Đen phải xin phép trước 10 ngày nếu muốn đưa những tàu chiến từ Gruzia trở lại Sevastopol. Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là “những bước đi chống Nga” trong khi Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích những quyết định trên là “không nghiêm túc”. Theo thỏa thuận giữa hai nước, Nga có quyền sử dụng cảng Sevastopol làm căn cứ cho Hạm đội Biển Đen cho tới năm 2017.

Quan hệ Nga-Ukraina bắt đầu “cơm chẳng làm, canh chẳng ngọt” từ sau cuộc Cách mạng cam đưa phe thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev đầu năm 2005. Với lý do không đạt được thỏa thuận về giá, Nga đã quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina đúng vào ngày đầu tiên của năm 2006, làm rúng động cả châu Âu (Nga đáp ứng 1/4 nhu cầu khí đốt của châu Âu và Ukraina là điểm trung chuyển quan trọng). Tháng 3 năm nay, Nga lại cắt giảm phân nửa lượng khí đốt cung cấp cho Ukraina. Trong cuộc gặp người đồng cấp Ukraina hồi đầu tháng 6-2008, Tổng thống Nga Medvedev cảnh báo Ukraina không được trục xuất Hạm đội Biển Đen ra khỏi Sevastopol, đồng thời cho biết sẽ tăng gần gấp đôi giá khí đốt bán cho Ukraina từ đầu năm tới. Mát-xcơ-va nói rằng việc tăng giá nhiên liệu là theo giá thị trường, trong khi Kiev và phương Tây chỉ trích Nga sử dụng khí đốt như một thứ “vũ khí chính trị”.

LÊ DÂN (Theo AFP, BBC)

 

Chia sẻ bài viết