22/02/2021 - 06:09

Tỷ lệ sinh giảm mạnh thời COVID-19 

Khi thế giới bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, người ta cho rằng tỷ lệ sinh tại nhiều nước sẽ tăng mạnh. Song, có bằng chứng cho thấy đại dịch khiến cho tỷ lệ sinh tại nhiều nước giảm sâu.

Y tá tại một bệnh viện Trung Quốc chăm sóc trẻ mới sinh. Ảnh: SCMP

Y tá tại một bệnh viện Trung Quốc chăm sóc trẻ mới sinh. Ảnh: SCMP

Một nghiên cứu phát hiện, căng thẳng tinh thần, bất ổn kinh tế và việc ít có cơ hội gặp gỡ nhau trong mùa COVID-19 có thể khiến lượng trẻ sinh ra tại Mỹ giảm mạnh, lên tới 500.000 ca năm 2021. Năm 2019, trung bình một phụ nữ Mỹ chỉ sinh 1,7 con, tỷ lệ thấp nhất từng được ghi nhận và thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 3,5 con/phụ nữ vào thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh năm 1958. Các nhà kinh tế lo ngại rằng Mỹ có thể đối mặt với “bom hẹn giờ nhân khẩu học” mà theo đó dân số trong độ tuổi lao động không đủ để “nuôi” số công dân đã nghỉ hưu, mang đến tác động tàn phá đối với nền kinh tế. Đơn cử như tại Nhật Bản, dân số cao tuổi gia tăng trong khi lực lượng lao động thu hẹp đã tạo ra cuộc khủng hoảng quốc gia, dẫn đến thiếu hụt lao động, tăng trưởng kinh tế chậm trong khi chi tiêu chính phủ tăng nhanh.

New Zealand cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo đó, tỷ lệ sinh của New Zealand đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Chỉ 1,61 ca sinh/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) được ghi nhận trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 con/phụ nữ để có thể duy trì dân số ổn định. Theo Cục Thống kê New Zealand, chỉ 57.753 trẻ sơ sinh được sinh ra tại nước này trong năm 2020, giảm 2.064 trẻ (3%) so với năm 2019. Song, đa số trẻ sơ sinh được sinh ra trong năm 2020 tại đây được thụ thai trước khi Wellington áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào ngày 25-3 năm ngoái.

Các nhà nhân khẩu học cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phụ nữ trì hoãn việc có con, chọn việc không sinh con do môi trường kinh tế bấp bênh, trong khi giá nhà tăng cao, xã hội lại ngày càng chấp nhận lối sống không có con cùng với sự hiệu quả của các biện pháp tránh thai. Theo Paul Spoonley, Giáo sư về nhân khẩu học tại Đại học Massey, xã hội New Zealand đang trải qua sự gián đoạn chưa từng có. “Kết quả của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học mà chúng tôi đang trải qua là điều mà chúng tôi chưa bao giờ gặp phải trước đây. Chúng tôi chưa bao giờ có một xã hội mà ở đó cứ 1 trong 4 người trên 65 tuổi” - ông Spoonley lo ngại, qua đó dự báo trong vòng 20 năm tới, nhiều gia đình tại New Zealand sẽ chỉ có 1 hoặc thậm chí không có con.

Trong khi đó, các nước Úc, Canada, Anh, Pháp cũng cùng cảnh ngộ. Khi Pháp áp đặt lệnh phong tỏa phòng SARS-CoV-2 hồi năm ngoái, nhiều đồn đoán cho rằng nước này sẽ chứng kiến đợt bùng nổ dân số. Tuy nhiên, 9 tháng trôi qua, Pháp đang phải “đau đầu” vì tỷ lệ sinh giảm mạnh. Chính sự bấp bênh về kinh tế, căng thẳng xã hội cũng như lo ngại bản thân nhiễm virus Corona đã khiến nhiều gia đình từ bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch sinh con.

Theo tờ Bưu điện Washington (Mỹ), số trẻ sinh ra tại Bệnh viện Saint-Denis giảm tới 20% trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12-2020 đến giữa tháng 1-2021 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong ít nhất nửa đầu năm nay. Các bệnh viện phụ sản khác tại Pháp cũng đối mặt tình cảnh tương tự.

Đặc biệt, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng không tránh khỏi tác động của COVID-19 đối với tỷ lệ sinh. Theo Bộ Công an Trung Quốc, nước này có 10,035 triệu trẻ được sinh ra trong năm 2020, giảm mạnh so với con số 11,29 triệu trẻ của năm 2019.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc hạn chế sinh con do chi phí chăm sóc y tế, giáo dục và nhà ở tăng cao. Mặc dù Bắc Kinh năm 2016 đã bãi bỏ chính sách 1 con nhưng cũng không thể thúc đẩy tỷ lệ sinh ở nước này. Những bất định về kinh tế do ảnh hưởng của COVID-19 càng làm gia tăng gánh nặng lên quyết định sinh con của các gia đình Trung Quốc, khiến tỷ lệ sinh tiếp tục giảm trong khi nước này đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh. Hiện 20% dân số Trung Quốc trên 60 tuổi, tức khoảng 250 triệu người.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, WP, Reuters)

Chia sẻ bài viết