02/05/2008 - 09:40

Tương lai nào cho Abkhazia?

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Abkhazia. Ảnh: AFP

Cộng đồng quốc tế lo ngại Tổng thống Mikhail Saakashvili của Gruzia có thể sử dụng sức mạnh quân sự để kiểm soát tình hình vùng lãnh thổ Abkhazia tự tuyên bố là nước cộng hòa năm 1994 nhưng không được quốc tế công nhận. Nếu khả năng này xảy ra thì hậu quả của nó chắc chắn sẽ tồi tệ hơn cuộc xung đột giữa hai bên vào đầu thập niên trước, làm khoảng 20.000 người thiệt mạng và tổn thất lên đến 11,5 tỉ USD. Bởi hiện nay, chính quyền vùng lãnh thổ rộng 8.547 km2 này đang có trong tay lực lượng quân sự hùng mạnh cùng nhiều vũ khí hiện đại do chính quân đội Gruzia bại trận bỏ lại. Mặt khác, không loại trừ khả năng Nga, vốn từ lâu ngấm ngầm ủng hộ sự tự trị của Abkhazia, sẽ trực tiếp can dự vào vì Mát-xcơ-va đang có khoảng 2.000 binh lính gìn giữ hòa bình và hàng chục ngàn công dân sinh sống tại đây.

Nằm ở góc Tây Bắc của Gruzia với Tây Nam giáp Biển Đen, Đông Bắc giáp dãy núi Kavkaz và Nga, Abkhazia từng một thời là thiên đường du lịch của tầng lớp thượng lưu Xô Viết. Sau cuộc chiến với chính quyền trung ương vào những năm 1992-1993, Abkhazia bị Tbilisi và phương Tây áp đặt lệnh cấm vận kinh tế ngặt nghèo và từ đó chỉ trông cậy vào sự trợ giúp của Nga.

Khoảng 300.000 dân Abkhazia đều được chính quyền liên bang Nga cấp giấy thông hành, và đây là cơ hội duy nhất để Abkhazia tiếp xúc với thế giới. Mát-xcơ-va còn đảm bảo giá trị đồng ruble lưu hành tại Abkhazia, nhận và trả bảo hiểm xã hội cho người lao động, đồng thời giúp khôi phục tuyến đường sắt nối Mát-xcơ-va với thủ phủ Sukhumi. Rất nhiều doanh nhân và du khách Nga đến Abkhazia đầu tư và nghỉ dưỡng. Năm ngoái, 1,5 triệu du khách Nga đến Abkhazia, đem lại nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế bé nhỏ này.

Theo Tổng thống tự phong Sergei Bagapsh, nếu Kosovo tự tuyên bố tách khỏi Serbia và được phương Tây công nhận thì Abkhazia cũng có quyền đó. Ông cho rằng nếu không nhanh chóng thực hiện nguyện vọng này thì sau khi Gruzia được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Abkhazia nhiều khả năng sẽ trở thành nơi đặt căn cứ quân sự mới của Mỹ. Một căn cứ như vậy đương nhiên sẽ đặt Nga vào vị thế hoàn toàn bị bao vây.

Các nhà phân tích cho rằng việc Gruzia trở thành thành viên NATO chỉ là chuyện sớm muộn, và đây thật sự là một thách thức lớn đối với mục tiêu độc lập của chính quyền Abkhazia thân Nga. Chính quyền của “Tổng thống” Bagapsh trên thực tế chỉ kiểm soát 83% lãnh thổ Abkhazia và phần còn lại thuộc về phe đối lập được Tbilisi thừa nhận. Lực lượng này có khả năng sẽ là con át chủ bài trong trường hợp Gruzia quyết định tấn công quân sự Abkhazia.

Tương lai Abkhazia đang đứng trước nguy cơ khó lường.

PHÚC NGUYÊN

(Theo Le Monde, BBC, Wikipedia)

Nga cáo buộc Gruzia muốn gây chiến

    Ngày 30-4, Nga cáo buộc Gruzia cố tình đẩy Nga vào cuộc khủng hoảng đang “leo thang” ở Abkhazia bằng việc bóp méo sự thật về tuyên bố mới đây của Mát-xcơ-va tăng lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể tại vùng lãnh thổ này, nơi có đông người Nga đang sinh sống.

    Trả lời phóng viên Reuters sau cuộc gặp thường kỳ với các đại sứ các nước thành viên NATO tại tổ chức quân sự này, Đại diện thường trực Nga tại NATO Dmitry Rogozin cho rằng các đồng sự EU của ông đã nhận được “thông tin sai lệch, một chiều”. Ông Rogozin tố cáo Tổng thống Gruzia Saakashvili muốn gây chiến, muốn lôi kéo NATO và EU vào cuộc chiến tranh có thể xảy ra này. Ông cho biết Nga kêu gọi NATO và EU “vô tư và khách quan” trong việc giải quyết xung đột ở Abkhazia.

    Lời cảnh báo được đưa ra sau khi Đặc phái viên của Tổng thống Saakashvili nói với báo giới trên đường đến Brussels (Bỉ) rằng kế hoạch trên của Nga “không phải vì mục đích gìn giữ hòa bình mà là hành động xâm lược về quân sự”.

    Trước đó, ngày 29-4, Nga tuyên bố sẽ tăng lực lượng gìn giữ hòa bình tập thể của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), trong đó Nga đóng vai trò chủ yếu, tại vùng lãnh thổ Abkhazia. Động thái này của Nga đã khiến Mỹ, NATO và EU lo ngại.

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết