21/08/2008 - 09:00

Tự cứu lấy mình!

Tròn 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính “nhấn chìm” nền kinh tế nước nhà, Chính phủ Nga vừa đánh giá lại những nguyên nhân gây ra nó. Theo Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin, ngoài nguyên nhân giá vàng và dầu mỏ trên thị trường thế giới thời điểm đó ở mức quá thấp (trung bình chỉ 12 USD/thùng, có lúc xuống còn 8 USD/thùng) khiến nguồn ngân sách liên bang suy kiệt và mất khả năng thanh toán nợ đáo hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dường như muốn để mặc Nga sụp đổ bằng liệu pháp phá giá đồng ruble, kéo theo sự tuột dốc không phanh của nền kinh tế và làm phần lớn dân Nga trở nên bần cùng chỉ trong một đêm. Cựu giám đốc IMF tại Nga, ông Martin Gilman, biện minh rằng Chính phủ Nga mới thật sự phải chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng cách đây một thập niên, và hơn nữa đây là cái giá mà nước Nga phải trả khi chuyển tiếp từ hệ thống kinh tế hậu Xô-viết sang nền kinh tế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kudrin cho rằng nếu IMF tăng mức hỗ trợ khẩn cấp cho Nga thêm 10 hoặc 20 tỉ USD nữa với các chương trình viện trợ phối hợp hành động thì cuộc khủng hoảng tài chính có thể đã không xảy ra.

Trên thực tế, lúc đó IMF cũng cam kết cho Nga vay 11 tỉ USD, nhưng được chia ra làm nhiều đợt khác nhau, trong đó đợt đầu là 4,8 tỉ USD. Đáng tiếc, số tiền này không đủ để giúp Mát-xcơ-va vượt qua khó khăn và buộc phải tuyên bố vỡ nợ ngày 17-8-1998. Có lẽ từ bài học cay đắng đó, nước Nga ngày nay đã chủ động tăng cường dự trữ ngoại tệ để đảm bảo sự ổn định bền vững cho nền kinh tế-tài chính, tự cứu lấy mình chứ không trông chờ vào các định chế tài chính quốc tế. Hiện dự trữ ngoại tệ của Nga lên đến gần 600 tỉ USD, đứng thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Công, Ấn Độ... cũng đang có nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, sẵn sàng can thiệp khi thị trường tài chính khu vực có nguy cơ chao đảo.

PHÚC NGUYÊN (Theo Pravda, RBC, Kommersant)

Chia sẻ bài viết