05/12/2019 - 11:17

Trung Quốc ráo riết nghiên cứu “siêu heo” 

Sau sự hoành hành dữ dội của dịch tả heo châu Phi trên toàn cầu, gây khan hiếm thịt heo tại Trung Quốc, nhu cầu nhân giống “siêu heo” càng trở nên cấp thiết hơn để bảo vệ an ninh lương thực và đảm bảo động vật này có thể sống sót khi dịch bệnh bùng phát.

Một quầy thịt heo tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Guardian

Năm 2017, Trung Quốc chi cho nghiên cứu và phát triển lên đến 445 tỉ USD, chỉ thua Mỹ. Tuy nhiên, các nhóm nghiên cứu tại xứ cờ hoa và châu Âu lại đang có lợi thế hơn Trung Quốc, bao gồm sở hữu công nghệ phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm ở heo. Để theo kịp các nước, Bắc Kinh đã cử các nhà khoa học triển vọng ra nước ngoài để học hỏi những chuyên gia giỏi nhất thế giới, sau đó hồi hương và áp dụng kiến thức ở quy mô công nghiệp. Nhà nghiên cứu Jianguo Zhao tại Viện Động vật học là biểu tượng cho quyết tâm chạy đua trong lĩnh vực nghiên cứu gien của Trung Quốc.

Chuyên gia 45 tuổi này và các đồng nghiệp từng sử dụng công nghệ chỉnh sửa gien (Crispr) để đưa gien UCP1 vào cơ thể heo, giúp chúng chống chọi với thời tiết lạnh nhờ hình thành mỡ nâu sinh nhiệt. Heo được chỉnh sửa gien cũng ít mỡ trắng hơn gần 5%, nên thịt của chúng nhiều nạc hơn. Giới nghiên cứu Trung Quốc đến nay đã thực hiện thành công 40 ca biến đổi gien khác nhau nhờ công nghệ Crispr.

Bên trong một đại nông trại ở ngoại ô Thủ đô Bắc Kinh, hiện có hàng chục con heo đang được nuôi thử nghiệm gien giúp bảo vệ chúng trước những mùa Đông giá buốt. Gien mà Zhao cấy vào ADN của những chú heo này là một trong hàng chục ví dụ về nghiên cứu công nghệ gien được tiến hành tại Trung Quốc để tạo ra “siêu heo”, tăng trưởng nhanh hơn, mạnh hơn và cho thịt ngon hơn. Hiện trang trại heo biến đổi gien này có thể nuôi 4.000 con và được bảo vệ nghiêm ngặt với 3 trạm kiểm soát an ninh.

Dịch tả heo, lây lan từ châu Phi sang châu Âu và giờ là châu Á- dẫn đến cái chết và tiêu hủy khoảng ¼ số lượng heo của thế giới. Hiện chưa có thuốc hay vắc-xin ngừa vi-rút gây bệnh. Thị trường thịt heo Trung Quốc có quy mô lên đến 118 tỉ USD/năm, chiếm khoảng 50% nhu cầu toàn cầu. Hiện  đất nước 1,4 tỉ dân đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thịt heo nghiêm trọng.

Trung bình một người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 30kg thịt heo/năm (dân Mỹ và Anh ăn thịt bò lần lượt khoảng 26kg và 18kg/năm). Kể từ tháng 8 năm ngoái, thời điểm Trung Quốc xác nhận sự xuất hiện dịch tả heo châu Phi, tốc độ lây lan của bệnh dịch này nhanh chóng mặt. Khoảng 40% tổng lượng heo Trung Quốc, tương đương hàng trăm triệu con, đã bị thiệt hại.

Được biết, lượng thịt heo nhập khẩu vào Trung Quốc cũng tăng mạnh. Nếu như trong tháng 9-2018, lượng heo nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ ở mức 94.000 tấn thì cùng kỳ năm nay, con số này lên tới 161.000 tấn. Rupert Claxton của công ty tư vấn thực phẩm quốc tế Girafood nhận định: “Vấn đề nằm ở chỗ tổng lượng thịt heo xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2018 ở mức 8 triệu tấn trong khi Trung Quốc đang thiếu 24 triệu tấn. Do đó, thế giới sẽ không đủ heo để bù đắp nguồn cung thiếu hụt tại quốc gia này”. 

HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg, Guardian)

Chia sẻ bài viết