30/03/2021 - 09:29

Trung Quốc chiếm 53% sản lượng điện than toàn cầu 

Than vẫn giữ vai trò trung tâm của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2019, 58% tổng nhu cầu năng lượng của nước này là từ than, giúp giải thích vì sao Trung Quốc chiếm 28% tổng lượng khí thải CO toàn cầu.

Công nhân làm việc tại một mỏ than ở tỉnh Sơn Tây. Ảnh: SCMP

Công nhân làm việc tại một mỏ than ở tỉnh Sơn Tây. Ảnh: SCMP

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia về khí hậu và Ember, công ty năng lượng có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), cho thấy Trung Quốc tạo ra 53% tổng lượng điện than trên thế giới hồi năm ngoái, tăng 9% so với năm 2015, trở thành quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong sản xuất điện than.

Không những vậy, Trung Quốc còn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với tốc độ vượt xa phần còn lại của thế giới. Nghiên cứu của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Mỹ) hồi tháng 2 phát hiện, Trung Quốc năm ngoái đã đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện than mới với tổng công suất 38,4 GW, gấp hơn 3 lần tổng công suất ở những quốc gia khác trên  thế giới gộp lại. Cũng trong năm ngoái, Trung Quốc phê duyệt xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 47 GW, gấp 3 lần so với năm 2019. Hiện Bắc Kinh đang xây dựng các nhà máy điện than với tổng công suất lên tới 247 GW, đủ để cung cấp điện cho toàn nước Đức. Trung Quốc cũng vừa đề xuất xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới mà khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra 73,5 GW, gấp 5 lần so với tổng công suất được các nước khác trên thế giới đề xuất.

Tình trạng trên được cho có khả năng làm suy yếu các mục tiêu khí hậu ngắn hạn của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm ngoái tuyên bố lượng khí thải CO của nước này sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và Bắc Kinh sẽ đạt mục tiêu carbon trung tính (không tăng lượng khí thải ròng) trước năm 2060. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa tạo ra đủ lượng năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu, Trung Quốc năm 2020 chỉ tạo ra 71,7 GW điện gió và 48,2 GW điện Mặt trời.

Chính tình trạng không kiểm soát tốt ngành điện than, nguồn chính gây ra khí nhà kính làm khí hậu nóng lên, đã khiến Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sản xuất than ở Trung Quốc bị hạn chế bởi các chính sách bảo vệ môi trường cùng nhiều yếu tố khác. Đặc biệt là trong những năm gần đây, một số mỏ than quy mô vừa và nhỏ của Trung Quốc phải cho cắt giảm, thậm chí là ngừng sản xuất do công tác bảo vệ môi trường không đáp ứng tiêu chuẩn đặt ra. Trong khi đó, chi phí khai thác tăng cao khiến giá than ở Trung Quốc cao hơn giá than quốc tế. Chẳng hạn, giá than nhập khẩu năm 2019 bình quân chỉ 78USD/tấn, thấp hơn giá than trong nước khoảng 10%.

Do đó, hàng năm Trung Quốc nhập khẩu một lượng than lớn. Nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng từ 204 triệu tấn năm 2015 lên 300 triệu tấn vào năm 2019. Năm 2020, do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và sự xấu đi trong quan hệ Trung Quốc - Úc, nhập khẩu than của Trung Quốc có xu hướng giảm. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 265 triệu tấn than, giảm 10,8% so với năm 2019.

Giới phân tích dự đoán, nếu đại dịch COVID-19 thuyên giảm trong năm nay, nhập khẩu than của Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong giai đoạn 2021-2025. Dù Bắc Kinh giảm nhập khẩu than từ Canberra nhưng nước này vẫn sẽ tìm cách nhập khẩu than từ các nước khác.

TRÍ VĂN (Theo Reuters, Yale)

Chia sẻ bài viết