Hôm qua 23-7, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thị sát một tàu ngầm mới, động thái được cho là tín hiệu về khả năng tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại buổi thị sát tàu ngầm mới. Ảnh: KCNA
Theo KCNA, Chủ tịch Kim Jong-un “rất hài lòng” về quá trình đóng “tàu ngầm uy lực” của Triều Tiên sau khi ông nắm rõ thông tin về các hệ thống vũ khí cũng như dữ liệu chiến thuật và hoạt động của con tàu. “Với một quốc gia có bờ Đông và Tây giáp biển, năng lực hoạt động của tàu ngầm là yếu tố quan trọng của nền quốc phòng. Triều Tiên cần tiếp tục phát triển khả năng phòng thủ bằng cách nỗ lực phát triển các khí tài hải quân, bao gồm tàu ngầm”- ông Kim phát biểu. Triều Tiên không mô tả loại vũ khí có thể trang bị cho tàu ngầm, mà chỉ nói nó sắp được triển khai và sẽ hoạt động tại Biển Nhật Bản.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Trong khi đó, các chuyên gia nhận định dựa trên kích cỡ to lớn, dường như tàu ngầm mới được thiết kế để mang tên lửa. Riêng Ankit Panda- học giả cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ- lập luận: “Thông điệp chính trị đáng chú ý rằng đây là lần đầu tiên kể từ cuộc duyệt binh hồi tháng 2-2018, đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một thiết bị quân sự rõ ràng được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân”. Chuyên gia Panda còn nói đây có thể là tín hiệu về “hạn chót vào cuối năm mà ông Kim đưa ra để Mỹ thực thi những thay đổi trong chính sách một cách nghiêm túc nhất”. KCNA công bố hình ảnh chuyến thị sát trùng với thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có chuyến thăm Tokyo (Nhật Bản).
Nỗ lực đóng tàu ngầm mới cho thấy Triều Tiên đang tăng cường sức mạnh quân sự mặc dù kể từ đầu năm ngoái nước này đã theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân với Mỹ. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Washington, Bình Nhưỡng tuyên bố có trong tay các loại tên lửa đạn đạo đã được phóng thử thành công từ tàu ngầm, song giới phân tích cho rằng quốc gia Đông Bắc Á phải mất nhiều năm nữa mới có thể sở hữu một hệ thống hoàn chỉnh. So với phóng từ mặt đất, tên lửa được phóng từ tàu ngầm khó phát hiện hơn. Tháng 8-2016, Triều Tiên từng phóng thử thành công một SLBM.
Triều Tiên sở hữu một trong những đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, 64-68 chiếc. Dù vậy, gần như tất cả số tàu này đều là loại nhỏ và chỉ được dùng để tuần tra duyên hải và trinh sát, theo báo cáo hồi tháng 10-2018 của tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân. Bình Nhưỡng chỉ có duy nhất một tàu ngầm có khả năng mang tên lửa đạn đạo. Hồi tháng 4 vừa qua, báo Chosun Ilbo dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắt đầu đóng một tàu ngầm nặng 3.000 tấn, có khả năng mang theo 3 hoặc 4 tên lửa đạn đạo.
Thông tin về tàu ngầm mới được hé lộ hơn 3 tuần sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ lần ba tại Khu phi quân sự ở biên giới liên Triều và nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Hôm 22-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ hy vọng sẽ sớm nối lại thương lượng, đồng thời mong muốn phía Bình Nhưỡng có lập trường khác khi vòng đàm phán mới diễn ra.
Trong khi thời gian và địa điểm đàm phán vẫn chưa được ấn định, gần đây Triều Tiên lên tiếng cảnh báo việc nối lại thương lượng có thể bị ảnh hưởng bởi kế hoạch tập trận Mỹ- Hàn trong tháng tới. Giới chức ở Bình Nhưỡng còn dọa quay lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa sau 20 tháng tạm ngừng.
THANH BÌNH (Theo AP, Bloomberg)