04/06/2013 - 21:28

Triều Tiên khởi động lại lò phản ứng hạt nhân?

 Hình ảnh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon chụp từ vệ tinh hồi năm 2012. Ảnh: AFP 

* Hơn 60 quốc gia ký Hiệp ước Kiểm soát Buôn bán Vũ khí

Theo báo cáo của Viện Mỹ-Hàn Quốc thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), CHDCND Triều Tiên "gần như hoàn thành" các bước cần thiết để tái khởi động lò phản ứng hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon, cho phép Bình Nhưỡng sản xuất plutonium cấp độ vũ khí chỉ trong vòng một đến hai tháng kể từ ngày hoạt động.

Dựa trên kết quả phân tích hình ảnh về lò phản ứng 5MW thu qua vệ tinh thời gian gần đây, tổ chức này nói rằng Triều Tiên đã có những "bước tiến đáng kể" khi "công đoạn khôi phục hệ thống làm lạnh cần thiết để khởi động và vận hành các lò phản ứng cơ bản đã hoàn thành". Thay vì xây dựng lại tháp làm lạnh đã bị dỡ bỏ theo chương trình giải trừ hạt nhân do Mỹ hậu thuẫn hồi năm 2007, hệ thống mới sẽ được kết nối với hệ thống làm mát thứ cấp. Hình ảnh vật liệu và các hoạt động bên ngoài cho thấy công việc bên trong tòa nhà đặt lò phản ứng vẫn đang được tiếp tục. Ngoài ra, kết quả phân tích của hai chuyên gia Jeffrey Lewis và Nick Hansen cũng cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng có khả năng sẽ khởi động một lò phản ứng nước nhẹ (ELWR) tại Yongbyon chỉ trong vài tháng tiếp theo.

Theo các chuyên gia của Viện Mỹ-Hàn Quốc, lò phản ứng 5 MW có thể hoạt động trong 1 đến 2 tháng nữa nhưng các thanh nhiên liệu để cung cấp năng lượng lò phản ứng - yếu tố quan trọng mang tính quyết định khi nào Triều Tiên sẽ khởi động lại cơ sở Yongbyon thì vẫn chưa xác định rõ ràng. "Khi hoạt động, Yongbyon có thể sản xuất khoảng 6kg plutonium mỗi năm để sản xuất vũ khí hạt nhân, tùy thuộc vào nguồn nhiên liệu"- theo báo cáo đăng tải trên trang web 38 North của tổ chức.

Trong một sự kiện khác, các phương tiện truyền thông quốc tế cho biết đại biểu của 62 quốc gia hôm 3-6 đã ký kết Hiệp ước Kiểm soát Buôn bán Vũ khí (ATT) mang tính bước ngoặt trong nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn quản lý hoạt động buôn bán vũ khí thông thường trị giá 70 tỉ USD trên toàn cầu. Được biết, hiệp ước sẽ có hiệu lực sau khi 50 quốc gia trong số 193 nước thành viên LHQ phê chuẩn. Theo Ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja, ATT có hiệu lực sớm hay muộn tùy thuộc vào việc các quốc gia tiến hành quá trình phê chuẩn nhanh hay chậm.

Hiện tại, các nguồn tin cho hay Mỹ vẫn "để ngỏ" khả năng tham gia ATT. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong một tuyên bố cho biết Washington sẽ ký hiệp ước ngay sau khi tất cả bản dịch chính thức của LHQ hoàn thành. Đồng thời, ông Kerry cũng nhấn mạnh tiêu chí rằng hiệp ước "sẽ không làm suy yếu các thương vụ mua bán hợp pháp vũ khí thông thường, không gây ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia hoặc vi phạm các quyền của công dân Mỹ".

Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, hiệp ước sẽ ngăn chặn một cách hiệu quả dòng chảy vũ khí bất hợp pháp tại một số khu vực bất ổn hoặc rơi vào tay lực lượng cực đoan, cướp biển, khủng bố và tội phạm. Song, các nhà ngoại giao của LHQ cho rằng hiệu quả của ATT có thể bị hạn chế nếu các nhà xuất nhập khẩu vũ khí lớn từ chối ký kết trong bối cảnh các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và 20 quốc gia khác đã bỏ phiếu trắng khi thông qua hiệp ước hồi tháng 4.

VI VI (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết