12/04/2014 - 13:59

Tranh cử qua mạng xã hội

Người dân đang theo dõi Facebook của ứng viên thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: BBC

Truyền thông xã hội đã trở thành một "chiến trường" tranh cử mới tại Ấn Độ, nơi cuộc bầu cử lớn nhất thế giới đã bắt đầu từ ngày 7-4 và kéo dài đến 12-5. Việc sở hữu một kênh YouTube hay một trang Facebook được cho là quan trọng không thua gì việc tổ chức các cuộc mít tinh và vẽ chân dung ứng viên trên các bảng quảng cáo.

Đầu tháng này, trong thời gian diễn ra lễ hội sắc màu Holi của Ấn Độ, hơn 3 triệu người theo dõi ứng viên thủ tướng Narendra Modi của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đối lập trên mạng xã hội Twitter đã nhận được lời chúc mừng riêng từ ông. Trước đó vào tháng 2, ông Modi đã xuất hiện trên màn hình lớn khắp các quán trà trong cả nước với thứ yêu thích của người Ấn Độ trên tay – một tách trà. Đây là chiến dịch "Chai Pe Charcha" (thảo luận về trà) của BJP, nơi mà công nghệ vệ tinh và điện thoại di động được sử dụng để tổ chức giao lưu với người dân. Trong "cơn lũ" vận động chính trị trực tuyến, chiến lược của BJP đã có hiệu quả. "Một số chiến dịch không chỉ nhằm vận động, mà còn tạo ra các cuộc đối thoại"- Kapil Gupta, người sáng lập cơ quan truyền thông trực tuyến OMLogic, nhận xét.

Một hệ thống theo dõi Facebook, được thiết kế để tìm hiểu có bao nhiêu người dùng đang nói về các ứng viên và các đảng phái, cho thấy người ta bàn nhiều về BJP hơn là các đối thủ. Nhưng ngoài ông Modi, các đảng phái chính trị khác cũng tận dụng các cuộc chiến giành sự ủng hộ trên Facebook, Twitter và lực lượng sử dụng điện thoại di động.

Trong một chiến dịch vận động trực tuyến, những người ủng hộ đảng Aam Aadmi Party (Người của nhân dân - AAP) được yêu cầu đăng một ý kiến trên Twitter hoặc Facebook để ủng hộ đảng chống tham nhũng mới thành lập này. Chính trị gia Arvind Kejriwal và AAP do ông lãnh đạo còn lập một trang Facebook cho mỗi đơn vị bầu cử ở Thủ đô New Delhi.

Trong khi đó đảng Quốc đại cầm quyền tỏ ra không mấy tích cực trong chiến lược truyền thông xã hội. Vào thời điểm mà Twitter trở thành "vũ khí" tranh cử mới của các chính trị gia, cả Chủ tịch Sonia Gandhi và con trai Rahul Gandhi (ứng viên thủ tướng) hầu như vắng mặt trên các diễn đàn mạng. Thay vào đó, đảng này sử dụng ứng dụng nhắn tin di động phổ biến nhất hiện nay WhatsApp, vừa để liên lạc nội bộ, vừa để cập nhật thông tin của họ cho cử tri.

Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông ước tính tổng chi phí cho cuộc bầu cử năm nay là 5 tỉ USD – cao gấp 3 lần cuộc bầu cử trước đó vào năm 2009. Theo Hiệp hội Internet và Điện thoại di động Ấn Độ (IAMAI), các đảng chính trị thường chi 2-5% ngân sách của họ để tăng cường sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông. Công nghệ cao cũng được sử dụng trong cuộc bầu cử lần này với gần 1 triệu máy bỏ phiếu điện tử được lắp đặt.

Được biết, Ấn Độ hiện có hơn 200 triệu người dùng Internet (đa số là người trẻ và sống ở thành thị), trong đó có 93 triệu người dùng Facebook và 33 triệu người dùng Twitter. Theo dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến Alexa Internet, Ấn Độ là nơi có lượng người dùng Twitter và Facebook cao thứ hai thế giới (sau Mỹ). Những con số này cho thấy chiến dịch vận động tranh cử qua mạng xã hội của các đảng chính trị Ấn Độ có thể là một công cụ khả thi. Tuy nhiên, với việc hầu hết các vùng nông thôn của nước này vẫn chưa phổ biến điện thoại di động và Internet, các chuyên gia cho rằng tác động của các chiến dịch nói trên đối với kết quả bầu cử vẫn chưa có gì chắc chắn.

THANH TRÚC (Theo CNN)

Độc thân nên không tham nhũng?

Trong cuộc vận động tranh cử, ứng viên Modi đã nêu ra một ưu thế của mình khi chạy đua vào ghế Thủ tướng Ấn Độ, đó là ông không có khả năng tham nhũng vì là…người độc thân. "Tại sao tôi phải tham nhũng. Tham nhũng để cho ai. Tôi không có gia đình, không ai khiến tôi phải tham nhũng" – chính khách 63 tuổi giãi bày.

Trên thực tế là ông Modi, người được cho là nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng mới của Ấn Độ, từng kết hôn theo sự sắp đặt của cha mẹ nhưng ngay sau đó đã rời bỏ gia đình đi ngao du trên núi Himalaya với ý định trở thành một tu sĩ. Ông Modi và BJP đã giữ bí mật về đời sống hôn nhân của mình trong nhiều năm qua. Mọi chuyện vỡ lở khi anh trai ông trong một tuyên bố cho biết cuộc hôn nhân của Modi và bà Jashodaben Chimanlal giờ chỉ còn là "hình thức", hai người đã chia tay do ông Modi muốn tập trung "phục vụ nhân dân".

QUỐC KIỆT (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết