27/10/2017 - 16:18

Tổng thống Brazil “thoát hiểm” 

Giữ được chiếc ghế lãnh đạo Brazil không phải là chuyện dễ ở đất nước có 2 tổng thống bị luận tội trong 3 thập niên qua và một số nhân vật quyền lực nhất hiện đang ngồi tù. Ấy vậy, đương kim Tổng thống Brazil Michel Temer đã làm được điều đó.

Tổng thống Temer (giữa) rời bệnh viện ở Thủ đô Brasilia hôm 25-10. Ảnh: uol.com

Hôm 25-10, Tổng thống Temer đã nhận được 251 phiếu ủng hộ so với 233 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, qua đó ngăn chặn cuộc điều tra tham nhũng khiến ông có thể bị đình chỉ trong ít nhất 6 tháng cho tới khi có kết luận cuối cùng. Ông Temer bị cáo buộc nhận hối lộ của hãng sản xuất thịt hộp JBS SA. Đây không phải là lần đầu tiên nhà lãnh đạo 77 tuổi thuyết phục thành công các nghị sĩ. Cách đây 2 tháng, ông cũng “thoát hiểm” trong cuộc bỏ phiếu tương tự.

Ông Temer bị cáo buộc “điều hành tổ chức tội phạm và tìm cách cản trở công lý”. Các công tố viên cho rằng khi còn là nghị sĩ hồi năm 2006, ông đã thành lập đường dây hối lộ tồn tại đến ngày nay, trong đó bỏ túi hơn 180 triệu USD từ các công ty như Petrobras và Lottery của Brazil. Dù vậy, Tổng thống Temer phủ nhận mọi cáo buộc.

So với cựu Tổng thống Dilma Rousseff - người bị luận tội và phế truất hồi năm ngoái, các cáo buộc chống lại ông Temer nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, ông Temer đang thể hiện kỹ năng sống sót chính trị tốt hơn. Trong khi bà Rousseff  “bay ghế” ở giai đoạn đỉnh điểm của cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử Brazil, thì quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này đang cho thấy những dấu hiệu hồi sinh. Tuần rồi, ông Temer viết thư cảnh báo các nghị sĩ rằng điều tra về các vấn đề của ông sẽ làm thay đổi sự phục hồi nền kinh tế.

Nhà khoa học chính trị Carlos Melo nhận định Tổng thống Temer “có tài” giành lấy con tim và lý trí của các chính khách. Việc ông Temer cho rằng mình là mục tiêu “cuộc săn phù thủy” đã đánh đúng tâm lý của các đồng minh. Được biết, 59% nghị sĩ ủng hộ ông trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 8 cũng đang bị điều tra.

Dù nhận được tỷ lệ ủng hộ tệ nhất trong lịch sử qua các cuộc thăm dò dư luận, song ông Temer không phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn như trường hợp của bà Rousseff trước đây. Theo lý giải của các nhà khoa học chính trị, xã hội Brazil nay đã “tỉnh ngộ và dường như họ hài lòng với việc phế truất bà Rousseff”. Ngoài ra, nhiều nhà tổ chức đứng sau làn sóng biểu tình phản đối bà Rousseff năm ngoái đều thuộc các phong trào cánh hữu, vốn ủng hộ một số chương trình cải cách kinh tế của ông Temer.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết