25/05/2024 - 09:12

Thuế tỉ phú chia rẽ G7 

Trước thềm hội nghị tài chính diễn ra ở Ý, các quan chức Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7) vẫn đang tranh cãi về cách đánh thuế những cá nhân giàu nhất thế giới.

Người dân kêu gọi đánh thuế người giàu. Ảnh: WSJ

Trong hai ngày 24 và 25-5, Bộ trưởng Tài chính các nước G7 (Anh, Pháp, Ý, Đức, Mỹ, Nhật Bản và Canada) nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng Stresa ở miền Bắc nước Ý. Ngoài nội dung trọng tâm về tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc, quan chức các nước còn thảo luận khả năng áp mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỉ phú. Dẫn một số nguồn tin, Bloomberg cho biết dự thảo thông cáo ban đầu của cuộc họp có đề cập việc tìm kiếm phương thức tăng cường trao đổi thông tin liên quan những cá nhân giàu có nhất. Tuy nhiên, vấn đề trên không còn xuất hiện trong bản dự thảo thông cáo mới nhất sau các cuộc đàm phán riêng tư.

Hoạt động trao đổi thông tin và minh bạch có thể là bước đầu tiên trong việc tìm kiếm giải pháp đánh thuế các tỉ phú, tương tự thỏa thuận giữa 140 nước về mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như những công ty kỹ thuật số hàng đầu thế giới. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ từ một số nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20). Tuy vậy, nước thành viên G7 có nhiều cá nhân siêu giàu nhất là Mỹ đến nay vẫn không mặn mà với ý tưởng áp thuế tối thiểu toàn cầu với các tỉ phú. Đức, quốc gia nhiều tỉ phú hơn bất kỳ nước châu Âu nào, cũng khá dè dặt về vấn đề này. Trong một phát biểu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định bà không phản đối việc đánh thuế hợp lý đối với những cá nhân có thu nhập rất cao ở nước này. Điều bà không ủng hộ chính là cách thực hiện.

Theo ước tính của Cơ quan Giám sát thuế Liên minh châu Âu, áp dụng thuế suất 2% đối với tài sản của 2.750 tỉ phú trên thế giới có thể đem về khoảng 250 tỉ USD/năm. Nghiên cứu của cơ quan này cũng chỉ ra, những cá nhân siêu giàu đang đóng mức thuế thấp hơn rõ rệt so với những nhóm khác vì họ có thể gửi tài sản vào các công ty vỏ bọc để khỏi phải đóng thuế thu nhập. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Paris đang thúc đẩy các chính phủ đàm phán bộ quy tắc đánh thuế giống như đã áp dụng với các công ty đa quốc gia sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhà kinh tế học Gabriel Zucman thì cho biết đang soạn thảo kế hoạch theo yêu cầu của Brazil, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên G20, về tiêu chuẩn chung đảm bảo các tỉ phú trả mức thuế công bằng để phân phối lại nguồn tiền trên phạm vi quốc tế.

Theo Giáo sư Arun Advani thuộc Đại học Warwick (Anh), đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỉ phú phức tạp hơn các công ty. Thứ nhất, các tỉ phú thường có mức độ di động cao hơn nên khó xác định được cơ quan, vùng lãnh thổ hay nước nào cần đưa ra yêu cầu đóng thuế đối với họ. Các cá nhân cũng có khuynh hướng phải đóng nhiều loại thuế hơn so với nhóm công ty, chẳng hạn như thuế đánh thu nhập, thuế tài sản gia tăng và đóng góp an sinh xã hội. “Việc hài hòa tất cả những điều đó trên phạm vi quốc tế sẽ khá khó thực hiện”- Giáo sư Advani nhận định.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết