Triều Tiên vừa một lần nữa phóng thử “một vật thể bay chưa xác định” mà giới chức quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhận định là tên lửa đạn đạo. Đây là lần thử tên lửa thứ 2 trong vòng 1 tuần qua và là lần thứ 9 từ đầu năm nay của Triều Tiên. Bình Nhưỡng xác nhận vụ phóng gần đây nhất diễn ra hôm 27-2 nằm trong quá trình phát triển hệ thống vệ tinh do thám.
Còn nhớ trong tháng 1-2022, Triều Tiên đã 7 lần phóng thử tên lửa, nhiều hơn cả năm 2021, trong đó đáng chú ý nhất là tên lửa siêu thanh và tên lửa tầm trung có khả năng vươn tới đảo Guam của Mỹ. Đây là lần thử tên lửa mạnh nhất đầu tiên của Triều Tiên từ năm 2017, thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có với Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump. Bình Nhưỡng gần như không thử nghiệm tên lửa trong tháng 2 nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với Trung Quốc khi nước này tổ chức Olympic Bắc Kinh.
Nhưng trong tháng 2, tại hội nghị đảng Lao động, Triều Tiên đã bất ngờ công bố danh sách chi tiết các loại vũ khí mà nước này đang phát triển, trong đó có vệ tinh do thám quân sự, đồng thời để ngỏ khả năng nối lại thử nghiệm các thiết bị hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Và giới chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể thực hiện một vụ thử nghiệm vũ khí lớn nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào ngày 15-4 tới. Cụ thể, chuyên gia Cheong Seong-chang tại Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) cho rằng Bình Nhưỡng dường như đang tập trung thử nghiệm để “trình làng” các vệ tinh do thám và ICBM trong tháng 4.
Theo giới phân tích, Triều Tiên đã bắt đầu tăng tốc thử nghiệm các loại vũ khí giữa lúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bị phân tâm trong cuộc khủng hoảng Nga và Ukraine từ cuối năm 2021. Và đây cũng có thể là cách Bình Nhưỡng tăng cường gây sức ép lên Washington phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế trước khi hai bên ngồi vào bàn đàm phán hạt nhân và tên lửa theo đề xuất của ông Biden.
Tuy nhiên, thông điệp chính yếu trước mắt của Triều Tiên là gửi tới Hàn Quốc, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 20 ngày 9-3. Bình Nhưỡng thời gian qua đã tái ưu tiên tăng cường năng lực quân sự vì cho rằng chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in không còn đủ quyết tâm thúc đẩy quan hệ liên Triều sau khi cuộc đàm phán Mỹ - Triều đổ vỡ năm 2019. Thế nên, nếu ứng viên đối lập Yoon Suk-yeol thuộc đảng Quyền lực Nhân dân thắng cử có thể làm đảo lộn chính sách ngoại giao của Seoul và bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bùng nổ căng thẳng. Ông Yoon dọa nếu đắc cử sẽ “tấn công phủ đầu” Triều Tiên khi cần thiết.
ĐỨC TRUNG (Theo AP, AFP, Nytimes)