03/08/2019 - 07:02

Thế giới tiếp tục lên án”hành động cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Ðông 

Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách An  ninh mạng Quốc tế của ủy ban này vừa ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (trái) tiếp xúc với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bên lề các hội nghị ngoại giao ASEAN tại Bangkok hôm 1-8. Ảnh: TTXVN

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ,  cho biết: “Các hoạt động khảo sát của một tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và việc triển khai tàu cảnh sát biển của Trung Quốc chỉ là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hành vi cưỡng ép nhằm khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông. Việc xác định các cách thức cụ thể để đẩy lùi các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông cần được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Mỹ tại các cuộc họp với ASEAN tại Bangkok trong tuần này".

Ông Risch cũng cho rằng các đối tác của Mỹ trong khu vực, đặc biệt các nước thành viên ASEAN, phải sát cánh bên nhau và đứng vững trước sự cưỡng ép của Trung Quốc. Theo ông, nếu không có sự lên án mạnh mẽ hơn đối với các hành vi của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục có hành động trái phép ở Biển Đông, gây bất lợi cho lợi ích chung của Mỹ trong việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thực sự tự do và cởi mở và duy trì luật pháp.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ  Bob Menendez, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, tuyên bố: "Điều rất quan trọng là Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình ở Biển Đông”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner, Chủ tịch của Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế nêu rõ: “Việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành động thù địch đối với các quốc gia có yêu sách khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế”. 

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Edward Markey, Phó Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế, cho rằng: “Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, một trong những vùng biển quan trọng nhất trên hành tinh, đang gây ra những vấn đề sâu sắc”. Ông Markey khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực ngoại giao nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông, bao gồm những nỗ lực tại Diễn đàn Khu vực ASEAN trong tuần này tại Bangkok, Thái Lan. Ông Markey khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực có trụ sở tại the Hague đã ra phán quyết rõ ràng nhiều năm trước rằng việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và tất cả phải tôn trọng tự do hàng hải .

Phát biểu tại Bangkok  hôm 1-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như việc Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong. Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi các nước trong khu vực "công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông", đồng thời cho biết việc Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong đã gây ra tình trạng mực nước thấp kỷ lục trong thập kỷ qua, ảnh hưởng đến tuyến đường vận chuyển huyết mạch này.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ hôm 1-8 cũng thảo luận tình hình Biển Đông. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các nhà lãnh đạo ngoại giao ASEAN và Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. 

Tại New Delhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định Ấn Độ có lợi ích to lớn ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế ở vùng biển này.  Phát biểu tại cuộc họp báo tuần, trả lời câu hỏi của phóng viên Ấn Độ về việc một số nguồn tin của Việt Nam nói các tàu của Trung Quốc đang tìm cách làm gián đoạn hoạt động thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) ở Biển Đông, ông Raveesh Kumar nêu rõ lập trường của New Delhi là rõ ràng và nhất quán. Ấn Độ có lợi ích kinh tế và thương mại lớn qua khu vực này. Cụ thể, 55% khối lượng thương mại của New Delhi được vận chuyển qua vùng Biển Đông. Do đó, Ấn Độ thực sự có nguyện vọng chính đáng về hòa bình, ổn định và tiếp cận an toàn đối với các vùng biển trong khu vực này. Ông Raveesh Kumar cũng bày tỏ hy vọng luật pháp quốc tế được tuân thủ khi Ấn Độ tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển này.

Tại Hội thảo về Biển Đông thường niên lần thứ 9 diễn ra mới đây ở thủ đô Washington, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã mời các học giả đại diện các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Úc... đánh giá về những diễn biến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Giáo sư về quản lý chính sách ở Đại học Keio, ông Toshihiro Nakayama cho biết Nhật Bản là nước "rất dễ bị tổn thương" trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông. Ông giải thích: “Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào giao thương… Hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển. Do đó, Biển Đông là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Nếu con đường hàng hải đó bị chặn hoặc nếu một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển đó thì Nhật Bản sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương”. Vì vậy, Nhật Bản "rất lo ngại trước ý đồ của Trung Quốc muốn độc chiếm  Biển Đông".

Bà Bec Strating, giảng viên chính trị thuộc Đại học La Trobe (Úc), nhấn mạnh Úc cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông và đây là ưu tiên trước hết của nước này. Bà nêu rõ: “Chính sách được công bố của Úc trong những năm qua là bày tỏ mối quan ngại lớn đối với các cường quốc đang nổi thách thức luật lệ trên biển, trên không, và xem đó là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực".

                     TTXVN

Chia sẻ bài viết