09/11/2009 - 22:26

Thế giới ngày càng không hài lòng với chủ nghĩa tư bản

Một cuộc biểu tình chống chủ nghĩa tư bản từng diễn ra ở Thủ đô Luân Đôn của Anh hồi tháng 4 năm nay, nhân cuộc họp thượng đỉnh nhóm 20 nước công nghiệp phát triển và mới nổi G-20. Ảnh: AP

(TTXVN)- Sau 20 năm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nỗi thất vọng đối với chủ nghĩa tư bản ngày càng lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận do chương trình “BBC World Service” của tổ hợp truyền thông Anh BBC thực hiện với 29.033 người trưởng thành ở 27 quốc gia, từ ngày 19-6 đến 23-10 và công bố ngày 9-11.

Theo cuộc thăm dò trên, chỉ có 11% số người được hỏi cho rằng thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản đang vận hành tốt, trong khi có tới 51% nhận định các vấn đề hiện nay của chủ nghĩa tư bản chỉ có thể được giải quyết nếu bổ sung thêm các quy định và tiến hành cuộc cải cách triệt để.

Ông Doug Mille, Giám đốc công ty chuyên tiến hành các cuộc thăm dò dư luận GlobeScan là đơn vị đồng tổ chức cuộc thăm dò nói trên, nhấn mạnh “sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc nhiều người cho rằng đây là chiến thắng vang dội của chủ nghĩa tư bản với quan điểm thị trường tự do, tuy nhiên thực tế đã chứng minh nhận định này không xác đáng, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước”. 43% số người tham gia thăm dò tại Pháp, 38% tại Mexico, 35% tại Brazil và 31% tại Ukraina cho rằng chủ nghĩa tư bản là “sai lầm chết người” và cần một hệ thống kinh tế mới, tính chung tỷ lệ đồng tình với ý kiến này tại tất cả các nước được thăm dò là 23%. Trong khi đó, ông Steven Kull thuộc Trường Đại học Maryland (Mỹ) cho rằng “một số đặc điểm của chủ nghĩa xã hội, như nỗ lực của chính phủ mang lại sự bình đẳng về vật chất cho mọi người dân, vẫn tiếp tục lôi cuốn nhiều người trên thế giới”.

Cuộc thăm dò được thực hiện trên cũng cho thấy đa số người dân các nước như Nga (77%), Brazil (64 %), Ukraina (75%) và Pháp (57%) mong muốn chính phủ quốc hữu hóa hoặc tăng cường kiểm soát trực tiếp các ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước.

Chia sẻ bài viết