|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (phải) gặp người đồng cấp Katsuya Okada của Nhật hôm 20-10. Ảnh: AP |
Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo Tokyo không nên tiến hành cuộc điều tra tìm hiểu sự thật về các thỏa thuận vũ khí hạt nhân bí mật giữa hai nước nhiều thập niên qua. Theo ông Gates, hành động này có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước, vì nó cản trở những nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell lại cho rằng các thỏa thuận hiện nay đã “hết hạn mật” và đó là vấn đề nội bộ của Nhật. Vì sao các quan chức Mỹ, một mặt gây sức ép, mặt khác lại muốn xoa dịu Nhật xung quanh cuộc điều tra này?
Sau khi chính quyền Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) bắt đầu sứ mệnh tìm sự thật về thỏa thuận hạt nhân mật giữa Mỹ và Nhật, Robert Wampler, Giáo sư Đại học George Washington, đã cập nhật lên mạng gói hồ sơ liên quan từ kho dữ liệu của trường, cho thấy các quan chức Mỹ có thỏa thuận với Nhật Bản khi hai đồng minh này ký hiệp ước an ninh mới năm 1960. Theo thỏa thuận này, Mỹ có quyền sử dụng lãnh thổ Nhật trong trường hợp khẩn cấp để đối phó với những mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Một biên bản ghi nhớ khác năm 1969 cho phép Mỹ đặt vũ khí hạt nhân tại các căn cứ trên đảo Okinawa, sau khi trao lại quyền kiểm soát khu vực này cho Nhật vào năm 1972. Tuy nhiên, các thỏa thuận này bị dư luận Nhật chỉ trích là đi ngược lại 3 nguyên tắc không sản xuất, sở hữu và tàng trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Hãng tin Kyodo của Nhật cho rằng điều khoản gốc của thỏa thuận 1960 yêu cầu Washington phải tham vấn Tokyo trước khi đưa vũ khí vào Nhật, nhưng vô số tàu mang vũ khí hạt nhân của Mỹ đã “âm thầm” cập cảng nước này.
Cuộc điều tra diễn ra khi DPJ đang xem lại tổng thể chính sách đối ngoại nhằm nâng cao vai trò của Tokyo trong quan hệ song phương với Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng cuộc điều tra là nhằm làm mất uy tín các quan chức Nhật từng có quan hệ mật thiết với Washington. Tuần trước, các quan chức DPJ thông báo Nhật sẽ kết thúc sứ mệnh tiếp nhiên liệu cho tàu chiến của liên quân do Mỹ cầm đầu ở Ấn Độ Dương, phục vụ cuộc chiến tại Afghanistan suốt 8 năm qua. Tokyo cũng tuyên bố xem xét lại việc lập căn cứ trực thăng cho quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ ở Nhật và chuyển 8.000 quân Mỹ từ Nhật tới đảo Guam.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Nhật mới đây của ông Gates là nhằm gây sức ép lên Tokyo tiếp tục cam kết thỏa thuận quân sự với Mỹ. Washington đang đối mặt với những thách thức từ Pakistan, Afghanistan, Iraq, Iran, Triều Tiên và Trung Quốc, nên càng không muốn có những khó khăn trong quan hệ với Nhật, một đồng minh gần gũi nhất của Mỹ ở châu Á. Thế nên, mới có chuyện các quan chức Mỹ “vừa dọa, vừa xoa” người Nhật như thế.
N. MINH (Theo WSJ, Washingtonpost, AFP)