 |
Bức tường chia cắt quận al-Adhamiyah ở Baghdad. Ảnh: AFP |
Các bức tường chắn hiện diện khắp Baghdad. Những dải bê-tông nối tiếp nhau cao trung bình 6 m và dài hàng km đã biến thủ đô của Iraq rợp bóng cây xanh thành một thành phố u tối, chia cắt cộng đồng người Sunni với người Shiite. Baghdad bị phân thành nhiều khu nhỏ được quân đội Mỹ cho là nhằm bảo vệ người dân khỏi các vụ đánh bom liều chết, bắn tỉa và bắt cóc do các lực lượng chống đối gây ra. Công bằng mà nói những bức tường chắn mà người Mỹ gọi là “một giải pháp cho tình trạng rối ren ở Iraq” ít nhiều đã hạn chế được tình trạng bạo lực sắc tộc và phe phái ở Baghdad. Tuy nhiên, cái giá mà người dân phải gánh chịu thì khá đắt.
Không chỉ cản lối thị dân Baghdad tới trường học, công sở, nhà thờ, khách sạn, chợ..., nói chung là bất kỳ nơi nào được cho có thể trở thành mục tiêu tấn công, các bức tường chắn còn là nguyên nhân khiến người dân buôn bán ế ẩm, giá nhu yếu phẩm và nhà ở tăng cao do quá trình vận chuyển gặp “trắc trở”. Nằm ở phía Nam Baghdad, quận Dora - từng một thời là thành lũy của lực lượng nổi dậy theo dòng Hồi giáo Sunni - hiện có nhiều tường chắn đến nỗi nhiều khu nhìn không khác nào là mê cung. Khu Moalimean khét tiếng của Dora, cách đây 1 năm được xem là nơi nguy hiểm nhất ở Baghdad, hiện người dân chỉ có thể ra vào bằng những chiếc cửa sắt xoay, luôn có lực lượng an ninh canh phòng.
“Hệ thống tường chắn đã ngăn các tay súng xâm nhập vào khu này. Nhưng chúng tôi có cảm giác mình đang sống trong tù và bị cô lập với phần còn lại của thành phố”, Salim Ahmed (29 tuổi), công nhân lọc dầu sống và làm việc ở Dora bộc bạch. Trả lời phỏng vấn hãng tin AP (Mỹ), Ahmed al-Dulaimi, kỹ sư 41 tuổi, sống ở quận Azamiyah “kín cổng cao tường” chẳng khác nào trại giam, nói: “Chúng tôi đã bị chiếm đóng 5 năm và mỗi ngày chứng kiến có thêm nhiều bức tường bê-tông mọc lên, khiến chúng tôi ngày càng ngạt thở”. Với Khalid Ibrahim, nhân viên Bộ Nội vụ Iraq thì “nếu tường chắn cứ tồn tại năm này qua tháng nọ thì đó sẽ là thảm họa, giam cầm bước chân chúng tôi”. Cũng vì tường thành ở quận Sadr City mà mỗi ngày chị Kareem Mustapha phải cuốc bộ 15 phút rồi ngồi hai chuyến xe buýt mới tới sở làm. “Nó khiến chúng tôi cảm giác như mình là phạm nhân”.
Lần đầu tiên người Mỹ xây tường chắn ở Baghdad vào năm 2003 để bảo vệ Vùng Xanh - nơi đặt các cơ quan chính phủ Iraq, tổng hành dinh của quân đội Mỹ, và đại diện ngoại giao của nhiều nước. Ngày nay, gần như mọi con đường nào ở thành phố này đều có bóng dáng của tường chắn, những chỗ không có thì được thay bằng hàng rào kẽm gai, thân cây hoặc đất đá chất đống cao như núi.
Đầu tháng 6 này, quân đội Mỹ lại xây thêm một dải tường chắn nữa ở bên kia sông Tigris, nối với 2 bức tường hiện hữu bao kín quận Hurriyah. “Thiện ý của chúng tôi là tạo ra một khu Hurriyah an toàn hơn để người dân an tâm đi lại”, Tướng Frank Garcia, phát ngôn viên quân đội Mỹ ở phía Tây Baghdad nói. Để tăng thêm phần thuyết phục, Tướng Garcia nhắc lại “tác dụng tích cực” của bức tường dài gần 5 km ở quận Azamiyah, phía Bắc Baghdad mà sự hiện diện của nó đã hạn chế đáng kể tình trạng bạo lực trong hơn 1 năm qua.
Thật ra, việc xây dựng tường chắn ở Azamiyah vào tháng 4 năm ngoái từng gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người Sunni trên khắp Iraq, căng thẳng đến mức Thủ tướng Nouri al-Maliki phải lên tiếng yêu cầu lính Mỹ tạm dừng. Khi đó, ông Maliki bày tỏ lo ngại tường thành ở Baghdad sẽ nhắc người ta nhớ đến những bức tường ngăn cách gây tranh cãi khác. Có lẽ ông muốn ám chỉ những thành phố bị chia cắt vào thế kỷ 20, như bức tường Berlin ở Đức chẳng hạn.
THIÊN LAM (Theo AP, Commondream.org)