Chủ nhật vừa rồi, một nhóm thanh niên ở Tokyo rủ nhau về quê... học làm ruộng. “Công việc này khó hơn tôi tưởng”, Tatsunori Kobayashi, nhân viên quét dọn của khu nghỉ mát Disney, bộc bạch sau khi hoàn tất công đoạn gieo hạt cải xanh bằng máy trên những luống cày không ngay ngắn. “Nông dân thực tập” Kobayashi là thành viên của Đội Lao động Nông thôn gồm 2.400 thanh niên được đưa về quê theo một chương trình thí điểm của chính phủ Nhật, nhằm “tác hợp” lực lượng lao động thất nghiệp ở thành thị với các trang trại khan hiếm nhân lực ở nông thôn.
Khởi động cách đây 1 tháng, Chương trình “Inaka-de-hatarakitai” (Chúng tôi muốn làm việc ở nông thôn) nằm trong kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 154 tỉ USD của Thủ tướng Taro Aso. Chính phủ Nhật xem tình trạng suy thoái kinh tế là cơ hội để hướng lực lượng lao động mất việc vào các ngành nghề “khát” nhân lực, chẳng hạn như nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều lao động trẻ tỏ ra khá hứng thú với việc đồng áng khi giấc mộng việc làm ở thành thị tan biến. Nhiều hội chợ việc làm của ngành nông nghiệp được tổ chức gần đây đã thu hút hàng trăm đơn xin việc, cá biệt ở tỉnh Osaka có đến 1.400 ứng viên dự tuyển. “Thanh niên cần việc làm, còn nông dân cần người phụ việc. Đó là giải pháp bù trừ hoàn hảo”, Isao Muneta, một quan chức của Bộ Nông nghiệp, nhận xét.
|
Thanh niên Nhật chăm sóc hoa màu trong một trang trại ở nông thôn. Ảnh: NYTimes |
Như trường hợp của Shinji Akimoto, tháng trước vừa nghỉ việc vì doanh nghiệp làm ăn sa sút. Kỹ sư công nghệ thông tin 31 tuổi này đã đến Yokoshibahikari, một thị trấn nằm cách Tokyo gần 70 km, học làm “Hai lúa”. “Tôi không còn gì để mất nữa, nên những lúc thế này tôi cần học cách tạo dựng cuộc sống cho riêng mình”, Akimoto chia sẻ. Chương trình huấn luyện 3 ngày do chính phủ tài trợ, trang bị kiến thức căn bản về cách trồng lúa, trồng rau, quét dọn chuồng heo, cho gia súc ăn... Nhóm của Akimoto gồm 10 người xuất thân khác nhau, trong đó có cả sinh viên đại học, được trả công 70 USD/ngày và bao ăn ở.
Theo Massashi Umemoto, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia, không nên xem nông nghiệp là lối ra cho thực trạng thất nghiệp hàng loạt, bởi lĩnh vực này không đủ việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, giá gạo sụt giảm khiến nhiều nông trường gặp khó khăn, nông dân phải tìm việc làm thêm. Hơn nữa, thu nhập của nhà nông chỉ khoảng 1.500 USD/tháng, trong khi công việc thì mang tính thời vụ. Tuy vậy, một số vùng nông thôn vẫn rất cần lao động trẻ, chẳng hạn ở Yokoshibahikari. “Chúng tôi toàn là người già nên rất biết ơn thanh niên đã đến đây giúp đỡ”, bác Hitoshi Suzuki, 57 tuổi, chủ nhiệm một hợp tác xã nông nghiệp, nói. Do đó, Takayuki Yoshioka, điều phối viên phụ trách chương trình ở Yokoshibahikari, tin rằng tiềm năng việc làm ở nông thôn là vô hạn. Được biết, chương trình huấn luyện thanh niên làm nông nghiệp của chính phủ Nhật sẽ kéo dài đến cuối năm.
“Hai lúa thực tập” Kobayashi tâm sự, thời gian học làm ruộng giúp anh nảy sinh quyết định trồng hành borô, hoa màu chính của Yokoshibahikari. Anh dự định ở lại thêm một tuần nữa để thỉnh giáo chuyên gia trồng hành borô Yoshinori Yamazaki, người cho rằng hoa màu này là loại dễ trồng và mang lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, lão nông Yamazaki lo ngại phong trào thanh niên về quê làm việc chỉ là nhất thời và “bọn trẻ sẽ kéo nhau về lại thành thị một khi nền kinh tế phục hồi”.
THANH TRÚC (Theo NYTimes)