20/12/2018 - 21:27

Tham vọng “Con đường tơ lụa Bắc Cực” của Trung Quốc 

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đầu tư khắp mọi nơi ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Giờ đây, Bắc Kinh còn tỏ ra quan tâm đến Bắc Cực, khu vực quanh năm lạnh giá.

Trung Quốc tự xem mình là một cường quốc “gần Bắc Cực” mặc dù nằm cách Vòng Bắc Cực tới 3.000km. Thời gian qua, nước này đã mua hoặc sử dụng một số tàu phá băng tạo ra các tuyến đường vận tải hàng hóa mới thông qua Bắc Cực và hiện xem Greenland, vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, như là trạm dừng chân đặc biệt hữu ích đối với “Con đường tơ lụa Bắc Cực”, khiến Chính phủ Đan Mạch lo ngại rằng sự can dự của Trung Quốc tại Greenland có thể khiến cho đồng minh Mỹ “không vui”. Theo BBC, Greenland có vai trò chiến lược quan trọng đối với quân đội Mỹ, quốc gia có căn cứ quân không quân ở Thule, phía Bắc Greenland. Tại đây, Mỹ đã xây dựng một trạm radar - một phần của hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo.

Một thị trấn của Greenland. Ảnh: BBC

Kế hoạch tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại Greenland được thể hiện một cách rõ rệt khi Bắc Kinh mới đây đã tham gia đấu thầu dự án xây dựng 3 sân bay quốc tế lần lượt tại thủ phủ Nuuk, thành phố Ilulissat và thành phố Qaqortoq với tổng kinh phí ước tính lên tới 595 triệu USD nhằm có thể tiếp nhận các chuyến bay trực tiếp từ châu Âu và Bắc Mỹ. Sự “quan tâm” của Trung Quốc đối với Greenland được thể hiện sau khi Bắc Kinh hồi tháng 1 đặt ra tham vọng hình thành “Con đường tơ lụa Bắc Cực” bằng cách mở ra các tuyến đường vận tải và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây.

Hoạt động của Trung Quốc tại Greenland đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Đan Mạch. “Chúng tôi rất lo ngại. Trung Quốc không được có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại Greenland” - một quan chức chính phủ giấu tên của Đan Mạch cảnh báo. Reuters cho biết, do thuộc Đan Mạch, Greenland chỉ có thể đưa ra quyết định về các vấn đề nội bộ địa phương, còn về chính sách đối ngoại và an ninh thì được Copenhagen xử lý, trong đó gồm đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng. Bằng chứng là, Chính phủ Đan Mạch hồi năm 2016 theo kiến nghị từ Mỹ đã ngăn chặn nhà đầu tư Trung Quốc mua một cảng hàng hải ở miền Nam Greenland.

Tuy là lãnh thổ lớn thứ 12 thế giới, gấp 10 lần nước Anh, nhưng dân số của Greenland chỉ khoảng 56.000 người và được xem là nơi có mật độ dân số thấp nhất trên Trái đất.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết