Mặc cho Trung Quốc phô trương sức mạnh tàu sân bay, đánh giá của giới chuyên môn cho rằng nhóm tàu Bắc Kinh sở hữu không sánh bằng hạm đội của Mỹ cả về công nghệ lẫn kinh nghiệm.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận trên Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters
Trung Quốc hiện vận hành hai tàu sân bay, gồm Liêu Ninh tân trang lại từ tàu cũ mua của Ukraine và Sơn Ðông - hàng không mẫu hạm đầu tiên Trung Quốc tự chế tạo. Gần đây, hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy Bắc Kinh đang đẩy nhanh công đoạn lắp ráp tàu sân bay thứ 3 để có thể hạ thủy vài tháng tới.
Chuyên gia Lý Kiệt thuộc Học viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho biết kế hoạch của nước này không dừng lại ở 3 nhóm tác chiến tàu sân bay mà sẽ lập tới 4 nhóm. Các nhà quân sự thế giới thì nhận định cường quốc châu Á có tham vọng lập ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay để cạnh tranh sức mạnh với hải quân Mỹ vốn có 11 tàu sân bay hạt nhân trong biên chế.
Ðối với Bắc Kinh, tàu sân bay được coi là biểu tượng cho sự phát triển của đất nước, hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu với quân đội hiện đại và “đẳng cấp thế giới”. Thông điệp này liên tục được Trung Quốc lồng ghép vào các clip tuyên truyền, nhưng đánh giá riêng của các nhà phân tích cho rằng tàu sân bay Trung Quốc không phải là “mối đe dọa lớn” nếu so với hàng không mẫu hạm Mỹ.
Thiết kế lỗi thời
Tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Ðông đều chế tạo dựa trên tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô, vận hành theo cơ chế “cầu nhảy” với phần mũi tàu cong lên tạo đà giúp tiêm kích cất cánh. Nhược điểm lớn nhất của thiết kế này là không hỗ trợ tiêm kích hạng nặng mang đủ nhiên liệu và vũ khí, từ đó cản trở tầm hoạt động và khả năng tấn công của chiến đấu cơ.
Trong khi Trung Quốc chỉ có thể phóng từng chiến đấu cơ một, các tàu sân bay của Mỹ sử dụng máy phóng hơi nước hoặc điện từ cho phép nhiều chiến đấu cơ cất cánh cùng lúc. Tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay Mỹ cũng không bị giới hạn về tải trọng nhiên liệu hay vũ khí, đặc biệt có khả năng triển khai những máy bay trọng lượng lớn như máy bay chỉ huy, máy bay vận tải hay máy bay ném bom và cảnh báo sớm trên không.
Uy lực vũ khí kém
Tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang 40 máy bay các loại, gồm 26 tiêm kích J-15 cùng 14 trực thăng. Tàu Sơn Ðông kích thước lớn hơn và được cải tiến nên mang theo khoảng 50 máy bay các loại bao gồm 36 tiêm kích J-15, 14 trực thăng. Về phía Mỹ, tàu sân bay lớp Nimitz và Gerald R. Ford trung bình chở được 90 máy bay các loại nhưng mỗi tàu chỉ mang theo 60 và 75 máy bay khi thực hiện các nhiệm vụ trong thời bình.
Về tiêm kích chủ lực trên boong, J-15 bị cho kém hơn nhiều so với đối thủ Mỹ. Trước đó vì không thể đặt hàng Su-33 kèm giấy phép sản xuất của Nga, Bắc Kinh năm 2001 đã mua lại nguyên mẫu chưa hoàn thiện từ Ukraine để chế tạo lại. Không chỉ động cơ kém hiệu quả và các lỗi cơ học dẫn đến tai nạn, J-15 còn là loại nặng nhất (17,5 tấn) trong số các tiêm kích hạm hiện nay trên thế giới.
Ðiểm yếu khác của nhóm tàu sân bay Trung Quốc chính là tốc độ chậm hơn và chỉ có thể hoạt động trên biển khoảng 6 ngày trước khi tiếp nhiên liệu. Ngược lại, các tàu Mỹ trang bị lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động liên tục trong nhiều năm và chỉ bị giới hạn bởi nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn. Kinh nghiệm cũng là vấn đề khi hải quân Mỹ có gần một thế kỷ vận hành tàu sân bay và thực hiện các nhiệm vụ trong môi trường xung đột, còn đội tàu Trung Quốc đưa vào sử dụng sớm nhất từ năm 2012 và không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế.
Với những đánh giá chung này, nhà nghiên cứu quốc phòng Timothy Heath cho rằng mục đích thật sự của Trung Quốc liên tục đóng tàu sân bay không liên quan nhiệm vụ chiến đấu, bởi mục tiêu phòng thủ chính của nước này trên biển vẫn là chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực. Thay vào đó, chuyên gia nghiên cứu của RAND Corporation cho rằng Bắc Kinh muốn mượn sức mạnh tàu sân bay để củng cố các tuyến đường thương mại quan trọng ở Ấn Ðộ Dương trong bối cảnh thiếu đồng minh tin cậy cũng như căn cứ quân sự tại đây. Hơn nữa, sự hiện diện của các đối thủ như Ấn Ðộ vốn sở hữu tàu sân bay buộc Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tương tự để củng cố hoạt động hải quân trong khu vực.
MAI QUYÊN (Theo Business Insider)