26/09/2012 - 21:32

Tàu sân bay của Trung Quốc có ý nghĩa gì?

Tàu sân bay "thô" đầu tiên của Trung Quốc tại cảng Đại Liên. Ảnh: AP

Hải quân Trung Quốc vừa nhận được tàu sân bay đầu tiên trong buổi lễ bàn giao được tổ chức tại thành phố biển Đại Liên thuộc tỉnh Đông Bắc Liêu Ninh, nhưng các chuyên gia nghi ngờ giá trị sử dụng thực của nó trong bối cảnh tranh chấp hải đảo căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Con tàu chỉ là "cái vỏ" ra oai?

Theo báo chí Nga, con tàu cùng tên tỉnh Liêu Ninh, nơi nó được tân trang, có chiều dài 304,5m, rộng 38m, tải trọng 58.500 tấn, có thể chạy với vận tốc 36 hải lý/giờ, được trang bị từ 24-36 chiến đấu cơ, 4 máy bay cảnh báo sớm, 8-16 máy bay trực thăng. Tàu được quân đội Liên Xô hạ thủy năm 1985 và sau đó thuộc quyền quản lý của Ukraina trước khi Kiev bán cho Bắc Kinh năm 1998 như tàu "phế liệu".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu sân bay "sẽ nâng cao khả năng tác chiến toàn diện của hải quân và giúp Trung Quốc bảo vệ có hiệu quả các lợi ích về chủ quyền, an ninh và phát triển quốc gia". Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định việc đưa tàu sân bay vào hoạt động "có ý nghĩa to lớn và thành tựu vượt bậc thể hiện chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc và trình độ công nghệ quốc phòng tiên tiến của Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh "nó đóng vai trò quan trọng làm tăng tiềm lực quốc phòng và khả năng tác chiến toàn diện của đất nước".

Nhật báo Phố Wall của Mỹ ngày 26-9 cho rằng sự kiện trên "mang tính biểu tượng" cho ngày Quốc khánh 1-10 trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp chuyển giao thế hệ lãnh đạo và nhất là giữa lúc tranh chấp hải đảo gia tăng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong khi đó, tờ Thời báo New York dẫn lời một số chuyên gia quân sự cho rằng tàu mang ký hiệu số "16" chứng tỏ nó chỉ có chức năng tập huấn, do Trung Quốc chưa có các loại máy bay đủ khả năng đáp xuống và việc huấn luyện như vậy phải diễn ra trên bờ.

You Ji, nhà nghiên cứu cao cấp của Đại học Quốc gia Singapore trong một cuộc trả lời phỏng vấn, đánh giá: "Sự thật là tàu sân bay vô dụng đối với Hải quân Trung Quốc, bởi nếu được dùng đánh Mỹ thì coi như nó bị bắn tan tành, còn nếu tấn công các nước láng giềng bị coi là lấy thịt đè người trong mắt dư luận quốc tế". Hơn nữa, theo ông Ji, tàu sân bay của Trung Quốc có thể là mục tiêu dễ tấn công của chiến đấu cơ Su-30 do Nga sản xuất mà một số nước Đông Nam Á đang sở hữu. Hiện nay, các phi công Trung Quốc chỉ mới thực tập mô phỏng trên chiến đấu cơ J-8 được cải tiến đáp xuống một chiếc tàu đậu cố định trên mặt đất, chứ không thể thực hành trên tàu sân bay di động vì nước này không có loại máy bay thích hợp.

Những tàu hộ tống cần có của tàu sân bay

Các nhà hoạch định quân sự và hải quân Mỹ tỏ ra không bận tâm về sự kiện Trung Quốc gia nhập "câu lạc bộ các quốc gia sở hữu tàu sân bay", gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nga, Tây Ban Nha, Brazil, Ấn Độ và Thái Lan. Họ thậm chí muốn khuyến khích Trung Quốc sớm xây dựng tàu sân bay riêng cũng như các tàu hộ tống để nước này… lãng phí tiền của. Trong một báo cáo trước Quốc hội Mỹ mới đây, Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc có thể đang phát triển một số bộ phận của tàu sân bay tự đóng, nhưng một vài trong số đó chưa thể hoàn thành cho đến sau năm 2015.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trong những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc phát triển số lượng lớn tàu chiến với tỷ lệ hiện đại ngày càng tăng. Họ đang sở hữu khoảng 75 tàu tấn công trên mặt biển như tàu khu trục loại lớn và nhỏ, khoảng 60 tàu ngầm, đồng thời có các tên lửa có thể tấn công tàu chiến lớn như tàu sân bay của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Hiện tại, Trung Quốc đang phát triển tên lửa DF-21D có tầm bắn hơn 1.500km, có thể được trang bị cho tàu khu trục 052D cải tiến dài 160m. Vấn đề là tàu chiến Trung Quốc không đủ khả năng hoạt động rộng, chỉ hạn chế ở khu vực biển lân cận mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền.

Thông thường, một hàng không mẫu hạm của Mỹ được sự hộ tống của hai tàu tuần duyên trang bị tên lửa, hai tàu khu trục loại nhỏ, hai tàu ngầm năng lượng hạt nhân và một tàu hậu cần. Tàu sân bay cũng được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng đánh chặn tên lửa, máy bay và tàu chiến của đối phương.

Ngoại trưởng Trung-Nhật Bản

gặp nhau tại New York

Chiều 25-9 (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp kéo dài một giờ đồng hồ để tìm cách giảm căng thẳng trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông bên lề khóa họp 67 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại thành phố New York (Mỹ). Tân Hoa Xã cho biết ông Gemba là người đề nghị tiến hành cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai bên kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo đang tranh chấp bị Trung Quốc phản ứng quyết liệt.

Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh về chủ quyền "không tranh cãi" đối với quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Ông nói rằng "Trung Quốc sẽ không dung thứ bất cứ hành động đơn phương nào của phía Nhật Bản" và sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Nhà ngoại giao này cũng đổ lỗi căng thẳng hiện nay là do Nhật Bản châm ngòi và Tokyo phải chịu "hoàn toàn trách nhiệm" cho những gì đã làm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật cho biết bầu không khí cuộc gặp kéo dài khoảng một giờ đồng hồ diễn ra "rất gay gắt". Ông Gemba kêu gọi Trung Quốc kiềm chế trong bối cảnh tranh chấp quần đảo khiến quan hệ giữa hai cường quốc châu Á này rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Các nhà ngoại giao nói rằng cuộc gặp trên đã không đạt được bước đột phá nào, nhưng trong một cuộc họp báo tại Tokyo sáng qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết giới ngoại giao hai nước đã đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Tàu sân bay "thô" đầu tiên của Trung Quốc tại cảng Đại Liên. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết