11/06/2022 - 17:52

Tầm nhìn Kishida về Hòa bình 

Tối 10-6, trong bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (ảnh) đã đưa ra Tầm nhìn Kishida vì Hòa bình với 5 trụ cột gồm duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên các quy tắc; tăng cường an ninh trong đó tập trung nâng cao khả năng quốc phòng của Nhật Bản, tăng cường hợp tác an ninh với liên minh Mỹ - Nhật và các nước có cùng ý chí khác; thúc đẩy các nỗ lực thực tế hướng tới một “thế giới không có vũ khí hạt nhân”; tăng cường vai trò, chức năng của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó có việc cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ; và tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới như an ninh kinh tế...

Ảnh: EPA

Ảnh: EPA

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Thủ tướng Kishida cho rằng để có thể hướng tới một cộng đồng quốc tế hòa bình, trước hết phải duy trì và củng cố một “trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên các quy tắc”. Nhật Bản luôn ủng hộ mạnh mẽ “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mà ASEAN đã đặt làm chính sách cơ bản của mình. Theo ông Kishida, ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự hợp tác với ASEAN là rất cần thiết và Nhật Bản mong muốn tiếp tục hợp tác với các nhà lãnh đạo ASEAN để thảo luận sâu hơn về các biện pháp đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực này. Ngoài các nước ASEAN, các quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng là những đối tác quan trọng để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Nhật Bản sẽ phối hợp, hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương để đảm bảo một trật tự biển bền vững dựa trên pháp quyền.

Nhật Bản sẽ củng cố năng lực quốc phòng của mình trong vòng 5 năm tới. Ông Kishida cũng cam kết sẽ cung cấp những nguồn hỗ trợ tới các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ít nhất là 2 tỉ USD trong 3 năm tới cho các trang thiết bị an ninh hàng hải gồm tàu tuần tra và hỗ trợ cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hàng hải. Ông Kishida khẳng định sẽ tìm cách xây dựng một trật tự quốc tế ổn định thông qua đối thoại chứ không phải đối đầu.

Ông Kishida cũng khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác an ninh với Australia và các nước cùng “chung ý chí” khác. Ông Kishida cũng bày tỏ sự vui mừng về việc đàm phán với Singapore ký kết thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. Theo ông Kishida, Nhật Bản sẽ tiếp tục ký kết các thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng với các nước ASEAN và hiện thực hóa các dự án hợp tác cụ thể đáp ứng nhu cầu.

Trụ cột thứ ba là thúc đẩy các nỗ lực thực tế để hiện thực hóa một “thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Theo ông Kishida, con đường tiến tới một “thế giới không có vũ khí hạt nhân” ngày càng cam go. Tuy nhiên, với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản xuất thân từ Hiroshima, khu vực bị ném bom nguyên tử, ông Kishida khẳng định đã và sẽ hành động để cải thiện điều này nhiều nhất có thể.

Trong bài phát biểu của mình, ông Kishida cũng đề cập tới việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của LHQ và việc cải tổ thể chế đa phương lớn nhất thế giới này là một vấn đề cấp bách. Sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mới như an ninh kinh tế cũng được ông Kishida đề cập trong Tầm nhìn của mình. Chính quyền của Thủ tướng Kishida cũng đã thúc đẩy bộ Luật Thúc đẩy An ninh Kinh tế nhưng theo ông, sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh kinh tế là không thể thiếu, trong đó có khuôn khổ các nước “cùng ý chí”  như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Theo Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tầm nhìn Kishida vì Hòa bình là sự chuyển đổi mang tính ngoại giao “thực tế” để giúp Nhật Bản đối phó với những nguy cơ phải đối mặt trong một thế giới đang bất ổn. Ông Kishida cho biết, chính sách ngoại giao tích cực của Nhật Bản sẽ được hỗ trợ từ những cam kết đã được đưa ra vào đầu tuần này là tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới và viện trợ cho các nước ở châu Á, bao gồm cả tàu tuần tra cho các quốc gia Đông Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương để giúp bảo vệ an ninh hàng hải. Ông Kishida cũng khẳng định Nhật Bản đang xem xét việc sở hữu những loại vũ khí tấn công để ngăn chặn việc bị tấn công từ những kẻ thù tiềm tàng.

THẾ VŨ

Chia sẻ bài viết