TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phái đoàn cấp cao Syria gồm Ngoại trưởng Fayssal Mikdad, Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại thương Mohammad Samer al-Khalil hôm nay (21-9) sẽ đến thăm Trung Quốc theo lời mời chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình, qua đó đánh dấu ảnh hưởng đang gia tăng của Bắc Kinh ở Trung Đông.
Theo Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA, ngoài cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập, Tổng thống Assad còn tham dự “một số cuộc gặp và sự kiện” tại Bắc Kinh cũng như tại Hàng Châu, gồm lễ khai mạc Á vận hội vào ngày 23-9.
Dù SANA không cung cấp thông tin chi tiết về chuyến đi của ông Assad nhưng sự hiện diện của Bộ trưởng Kinh tế al-Khalil có thể cho thấy Syria muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Syria không thực sự mạnh mẽ. Ước tính cho thấy, Trung Quốc hồi năm 2021 xuất khẩu 482 triệu USD hàng hóa sang Syria, chủ yếu là gạo. Trong khi đó, Syria chỉ xuất khẩu 1,21 triệu USD hàng hóa sang Trung Quốc.
Tổng thống Assad dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab hồi tháng 8. Ảnh: AP
Chuyến thăm của ông Assad tới Trung Quốc lần này đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ Syria - Trung Quốc và là chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc của nhà lãnh đạo quốc gia Trung Đông này kể từ năm 2004.
Theo Hãng tin Reuters, chuyến thăm hồi năm 2004 cũng là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ Syria kể từ khi nước này thiết lập quan hệ với Trung Quốc vào năm 1956. Dù vậy, quan hệ Syria - Trung Quốc không ngừng được cải thiện. Kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra ở Syria hồi tháng 3-2011 và sau đó biến thành cuộc nội chiến, Iran và Nga đã giúp ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước. Trong khi đó, Trung Quốc đã 8 lần sử dụng quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) để ngăn chặn các nghị quyết chống lại chính quyền nhà lãnh đạo Syria. Lần gần đây nhất là vào tháng 7-2020 khi Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ để đóng cửa 3 trong số 4 tuyến đường viện trợ xuyên biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Jordan tới các khu vực của Syria nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Mát-xcơ-va và Bắc Kinh cho rằng viện trợ nên được chuyển trực tiếp tới Damascus.
“Trung Quốc trong nhiều năm đã bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn sự can thiệp công việc nội bộ của quốc gia Arab này. Do Trung Quốc được coi là một quốc gia thân thiện với Syria và sở hữu sức mạnh kinh tế đáng kể nên các thỏa thuận hợp tác với Syria nên được mở rộng sang các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và công nghệ” - Kosai Abido, chuyên gia phân tích người Syria chia sẻ.
Không những vậy, phía Trung Quốc gần đây cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ ông Assad trong cuộc xung đột ở Syria vốn khiến nửa triệu người thiệt mạng và phần lớn đất nước bị tàn phá. Trong tương lai, Bắc Kinh còn được cho có thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái thiết dự kiến sẽ tiêu tốn hàng chục tỉ USD tại Syria. Theo Hãng tin AP, giới chức Syria và Trung Quốc hồi năm ngoái cũng đã ký Biên bản ghi nhớ, chào mừng Damascus tham gia Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) - dự án mà Trung Quốc dùng để mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực đang phát triển thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.
Không chỉ có mối quan hệ hữu hảo với Syria, Trung Quốc đang ngày càng thân thiết hơn với Iran, đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Assad. Trước đó, ông Assad và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hồi tháng 5 đưa ra một tuyên bố chung, ca ngợi việc Trung Quốc làm trung gian cho thỏa thuận nhằm nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia hồi tháng 3.
Ông Mazen Alloush - một quan chức tại cửa khẩu Bab al-Hawa ở biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - ngày 19-9 cho biết các chuyến hàng viện trợ dân sự của LHQ đã được chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực do phiến quân kiểm soát ở Tây Bắc Syria. Ông Mazen Alloush xác nhận đoàn xe gồm 17 chiếc, chở theo nhiều hàng cứu trợ của LHQ. Trong khi đó, hãng tin AFP của Pháp cũng cho biết nhiều xe tải với biểu tượng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đã đi qua cửa khẩu. Đây là chuyến hàng đầu tiên kể từ khi cơ chế viện trợ do Hội đồng Bảo an LHQ cấp phép hết hạn từ tháng 7 vừa qua.