11/04/2018 - 22:14

Syria trước nguy cơ bị tấn công quân sự 

Nỗ lực của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhằm ngăn chặn nguy cơ đối đầu quân sự tại Syria đã thất bại sau khi Nga-Mỹ và đồng minh hai bên không thể thỏa hiệp về phản ứng quốc tế xung quanh vụ tấn công nghi bằng chất hóa học ở quốc gia Trung Đông.

Binh sĩ Syria gần thị trấn Douma. Ảnh: Getty Images
Binh sĩ Syria gần thị trấn Douma. Ảnh: Getty Images

 

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an (HĐBA) ngày 10-4, hai bên đã lần lượt phủ quyết dự thảo nghị quyết của đối phương về việc thành lập nhóm điều tra cáo buộc vũ khí hóa học đã sử dụng ở thị trấn Douma, Đông Ghouta. Theo đó, nghị quyết đầu tiên do Mỹ trình lên yêu cầu triển khai nhóm điều tra độc lập đến Douma. Tuy được 12/15 phiếu ủng hộ nhưng dự thảo không thể thông qua do Nga phủ quyết với tư cách thành viên thường trực HĐBA. Mát-xcơ-va sau đó trình lên 2 nghị quyết, hoặc lập nhóm điều tra độc lập, nhưng kết quả điều tra phải được HĐBA bỏ phiếu thông qua; hoặc ủy quyền thu thập bằng chứng cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), nhưng không xác định người đứng sau gây ra vụ tấn công. Cả 2 cũng không được thông qua do không đủ ít nhất 9 phiếu thuận.

Phát biểu sau bỏ phiếu, phái đoàn Pháp tại LHQ mô tả đề xuất của Nga là “bình phong” nhằm bao che chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đại sứ Mỹ Nikki Haley thì chỉ trích hành động của Mát-xcơ-va làm mất uy tín của HĐBA trong khi đại sứ Anh Karen Pierce đặt câu hỏi về uy tín của Nga trên tư cách thành viên cơ quan này. Đáp lại, đại sứ Nga Vasily Nebenzia cáo buộc Washington và các đồng minh đưa ra nghị quyết chỉ nhằm lấy cớ tấn công Syria. Ông Nebenzia kêu gọi phương Tây từ bỏ kế hoạch đó và cảnh báo Washington phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành động quân sự “phi pháp” nào với Syria.

Tổng thống Donald Trump đã quyết định hủy công du Mỹ-Latinh trong khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng thay đổi lịch trình để tập trung giải quyết vấn đề Syria. Theo BBC, diễn biến này cho thấy khả năng Mỹ sẽ triển khai chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn so với vụ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Syria năm ngoái sau vụ Chính phủ Syria bị tố sử dụng vũ khí hóa học. Giới quan sát cho biết mức độ và quy mô hành động đáp trả chắc chắn đặt ra thách thức với Mỹ khi phải quyết định có nhắm mục tiêu những căn cứ ở Syria đang được lực lượng Nga và Iran yểm trợ.

Hiện tại, Washington vẫn tiếp tục làm việc với Anh, Pháp và Saudi Arabia về các giải pháp quân sự trừng phạt chính quyền Syria. Phát biểu sau cuộc điện đàm với lãnh đạo Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết quyết định sẽ được đưa ra trong vài ngày tới. Trường hợp không kích, ông Macron xác định mục tiêu sẽ nhằm vào các cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học. Guardian cho biết tàu khu trục nhỏ của Pháp Aquitaine đang cùng khu trục hạm Mỹ USS Donald Cook trang bị tên lửa hành trình Tomahawk tiến vào Địa Trung Hải và sẵn sàng tấn công Syria theo lệnh. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S.Truman của Mỹ cũng đang di chuyển về khu vực này. Ngoài ra, tàu khu trục phòng không Anh cũng đang có mặt tại đây và có thể phối hợp với hơn một chục chiến đấu cơ trang bị tên lửa trên đảo Síp một khi có quyết định tấn công.

Hôm 10-4, Cơ quan kiểm soát không lưu Liên minh châu Âu Eurocontrol đã cảnh báo các hãng hàng không thận trọng khi khai thác chuyến bay ở Đông Địa Trung Hải trước nguy cơ các cuộc không kích có thể được phát động nhằm vào Syria trong 72 giờ tới.

Trong khi đó, cả Syria và Nga đều đã đặt quân đội trong tình trạng báo động. Trong một tuyên bố, đại sứ Nga tại Lebanon cảnh báo Nga sẽ bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Mỹ cũng như máy bay hoặc tàu chiến được sử dụng tấn công Syria. Trước đó, có thông tin máy bay chiến đấu Nga còn “vờn” tàu chiến Mỹ và Pháp trên khu vực Đông Địa Trung Hải. Iran cũng cảnh báo đáp trả chiến dịch quân sự nhằm vào quốc gia láng giềng.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết