14/11/2011 - 08:47

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu ở châu Âu

Anders Behring Breivik (trái), kẻ giết người hàng loạt ở Na Uy hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo mới nhất của hãng tư vấn Demos (Anh), phong trào cực hữu đang phát triển mạnh trên khắp châu Âu khi thế hệ mới của những người trẻ tuổi dùng Internet để ủng hộ các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bài ngoại.

Báo cáo của Demos được đưa ra 3 tháng sau vụ kẻ sát nhân Anders Behring Breivik xả súng bắn chết 69 người tại một cuộc họp mặt của thanh niên ở gần Oslo (Na Uy). Mặc dù tên này không thuộc đảng phái nào nhưng điều tra của cảnh sát cho thấy hắn thường lên mạng bàn về việc chống người nhập cư và chủ nghĩa dân tộc.

Báo cáo nhấn mạnh sự mở rộng của các nhóm cực hữu với tư tưởng bài ngoại, đặc biệt bài Hồi giáo, trên khắp châu Âu. Các nhóm này hiện không chỉ hoạt động ở các nước mà họ có “gốc rễ” như Pháp, Ý, Áo mà đã lan sang những quốc gia khác như Hà Lan và vùng Scandinavia. Hiện phe cực hữu đang có sự hiện diện đáng kể trong quốc hội 8 nước. Đơn cử, Mặt trận Quốc gia tại Pháp là một thế lực trên chính trường nước này trong 25 năm qua và không thể xem thường trong cuộc bầu cử tổng thống vào đầu năm tới. Các quốc gia khác cũng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào cực hữu trên đường phố, chẳng hạn như EDL ở Anh.

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu Demos thăm dò trực tuyến thái độ của những người ủng hộ phong trào cực hữu. Bằng cách sử dụng các mẩu quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, họ đã thuyết phục hơn 10.000 người thuộc 14 đảng phái và các tổ chức đường phố tại 11 quốc gia điền vào bảng câu hỏi hết sức chi tiết. Những người trẻ, đa phần là nam giới này tỏ ra nghi ngờ năng lực của chính phủ nước họ và sự hội nhập vào Liên minh châu Âu (EU). Họ lo sợ người nhập cư, nhất là dân Hồi giáo, sẽ làm mất bản sắc văn hóa của quốc gia mình trong tương lai. “Trong thời gian 5 năm nữa, chúng ta hoặc sẽ nhìn thấy sự gia tăng tình trạng thù địch và chia rẽ xã hội (bao gồm chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bài ngoại, bài Hồi giáo và bài Do Thái) hoặc chúng ta sẽ đấu tranh chống lại xu hướng khủng khiếp này”- Emine Bozkurt, người đứng đầu phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nghị viện châu Âu, cảnh báo.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng được cho là “thời cơ” của chủ nghĩa cực hữu. Nạn thất nghiệp tràn lan trong khi số người nhập cư vào cựu lục địa liên tục gia tăng khiến những người trẻ tuổi càng dễ gia nhập vào các nhóm cực hữu bài ngoại và bài Hồi giáo. “Nếu như chủ nghĩa bài Do Thái là yếu tố tập hợp cho các đảng cực hữu hồi những năm 1910, 1920 và 1930 thì nỗi sợ Hồi giáo là yếu tố tập hợp trong những thập niên đầu của thế kỷ 21”- theo chuyên gia Thomas Klau đến từ Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu.

Báo cáo của Demos cho rằng các cuộc biểu dương sức mạnh trên đường phố và việc ủng hộ đảng cực hữu trong các cuộc bỏ phiếu chỉ là một phần của bức tranh về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu ở châu Âu. Phần còn lại nằm ở chỗ không ít người trẻ đang dùng Internet, nhất là trang Facebook, để truyền bá chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại.

MỸ LAN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết