11/06/2019 - 08:30

Sứ mệnh khó khăn của ông Abe 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn thể hiện vai trò trung gian hòa giải trong quan hệ căng thẳng Mỹ- Iran hiện nay, khi ông bắt đầu chuyến thăm Tehran từ ngày mai 12-6.

Thủ tướng Nhật Bản Abe (phải) trong một lần gặp Tổng thống Iran Rouhani tại Liên Hiệp Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Abe (phải) trong một lần gặp Tổng thống Iran Rouhani tại Liên Hiệp Quốc.

Tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông

Thỏa thuận hạt nhân có tên “Kế hoạch hành động chung toàn diện” (JCPOA) được ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức, với điều khoản yêu cầu Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Thế nhưng, căng thẳng giữa Tehran và Washington gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi năm ngoái và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Gần đây, Washington còn đưa khí tài quân sự đến Trung Đông, bao gồm tàu sân bay, oanh tạc cơ B-52 và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, để ngăn chặn “các mối đe dọa từ Iran”.

Nhật không tham gia vào văn kiện trên, nên Thủ tướng Abe cũng không thể trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng. Nhưng bù lại, Tokyo đang ở vị trí thuận lợi để trở thành nhà dàn xếp lý tưởng bởi nước này vừa là đồng minh của Mỹ, trong khi vẫn duy trì quan hệ mật thiết với Iran từ khoảng 70 năm qua, chủ yếu xoay quanh việc mua bán dầu mỏ. Quốc gia Đông Bắc Á càng có thêm động lực để nhắm tới vai trò này khi mà trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã hoan nghênh sự giúp đỡ của Thủ tướng nước chủ nhà trong việc giải quyết vấn đề căng thẳng với Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời đề cao “mối quan hệ rất tốt đẹp” giữa Tokyo và Tehran. Chuyến công du của ông Abe cũng sẽ đánh dấu lần đầu tiên một Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Iran kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Theo giới phân tích, điều mà ông Abe có thể đạt được trong chuyến thăm 3 ngày sắp tới là thuyết phục Iran và Mỹ trở lại bàn đàm phán trực tiếp, có thể diễn ra tại quốc gia thứ ba. Cả Tehran và Washington cũng đang mong muốn một giải pháp giữ thể diện của nhau, thay vì đối đầu. Do vậy, Thủ tướng Abe có thể mời Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến Nhật dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào cuối tháng này. Còn nếu không được, lãnh đạo Nhật Bản cũng có thể chuyển thông điệp từ Iran đến Mỹ ngay tại sự kiện trên. “Nhật Bản trong mắt Trung Đông là một quốc gia đóng vai trò cầu nối giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới”- Momoyo Kondo tại Viện nghiên cứu Trung Đông của Nhật Bản nhận định. Dù vậy, kịch bản Mỹ- Iran nối lại các cuộc thương lượng trực tiếp được cho là sẽ không xảy ra nếu Washington không chịu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 9-6 khẳng định chính sách gây sức ép tối đa mà chính quyền Washington nhằm vào Tehran đã bị suy yếu và không còn áp lực, đồng thời kêu gọi ông chủ Nhà Trắng chấm dứt ngay “cuộc chiến kinh tế” này. Ông Zarif cũng bác bỏ thông tin của Mỹ cho rằng năng lực tên lửa đạn đạo của Iran đã được cường điệu hóa qua các thủ thuật chỉnh sửa hình ảnh.

Đức níu kéo Iran ở lại JCPOA

Trước khi Thủ tướng Nhật Bản đặt chân tới Tehran, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 10-6 đã có mặt tại đây để thảo luận với Tổng thống Rouhani và người tương nhiệm Iran Zarif. Chuyến đi của ông Maas nằm trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận JCPOA của châu Âu cũng như tìm cách xoa dịu căng thẳng tăng cao giữa Mỹ và Iran. Đức, Pháp và Anh khẳng định rằng văn kiện trên vẫn là cách tốt nhất để hạn chế khả năng làm giàu uranium của Tehran và tìm kiếm sự đồng thuận của nước này về các vấn đề an ninh khác trong tương lai.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức đến Tehran trong bối cảnh “sự kiên nhẫn chiến lược” của Iran đang cạn dần. Như trong “tối hậu thư” đặt ra trước đó, vào ngày 7-7 tới Tehran sẽ không còn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của thỏa thuận năm 2015, trừ phi các nước châu Âu tìm ra giải pháp hiệu quả về kinh tế để Cộng hòa Hồi giáo “yên tâm” thực thi các điều khoản bất chấp lệnh trừng phạt của Washington. Phát biểu trước báo giới hôm qua, Ngoại trưởng Maas nói rằng Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) dự kiến sẽ sớm đi vào hoạt động. Trong nỗ lực bảo vệ phần nào kinh tế Iran trước tác động của lệnh trừng phạt của Mỹ và cứu lấy JCPOA, 3 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu nói trên đã phải lập ra một cơ chế mới để hỗ trợ trao đổi thương mại với Tehran.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết