18/09/2012 - 21:59

Sóng gió mới trong quan hệ Trung-Nhật

Người biểu tình tỏ vẻ giận dữ tại thành phố Thành Đô ngày 18-9. Ảnh: Reuters

Bất chấp sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Bắc Kinh, các cuộc biểu tình chống Nhật của người Trung Quốc ngày 18-9 đã bùng phát dữ dội, khiến nhiều doanh nghiệp từ xứ Mặt trời mọc phải ngưng hoạt động.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm qua đã có cuộc hội đàm kín với người đồng nhiệm nước chủ nhà Lương Quang Liệt. Ông Panetta thúc giục phía Trung Quốc cần tăng cường tiếp xúc quân sự chặt chẽ hơn để tránh những bước đi sai lầm và giảm nguy cơ xung đột với quân đội Mỹ. "Mục đích của chúng tôi là Mỹ và Trung Quốc phải thiết lập mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới và vấn đề then chốt là xây dựng mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn", ông chủ Lầu Năm Góc tuyên bố. Ông giải thích thêm: "Trung Quốc là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương và cùng Mỹ chia sẻ những mối quan ngại chung của khu vực có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, hỗ trợ nhân đạo, buôn lậu ma túy, duy trì hòa bình và một số vấn đề khác". Ông Panetta một lần nữa kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản bình tĩnh và kiềm chế trong vấn đề chủ quyền hải đảo đang hết sức căng thẳng.

Thế nhưng, ông Lương Quang Liệt lên tiếng cáo buộc phía Nhật Bản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã gây ra tình hình hỗn loạn hiện nay, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh vẫn bảo lưu quyền được có hành động đáp trả, cho dù ông hy vọng sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình và thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề.

Quan điểm của ông Lương Quang Liệt tương tự với thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra cùng ngày. Người phát ngôn Hồng Lỗi còn cho biết có hai công dân Nhật ngày 18-9 đã leo lên một trong những hòn đảo đang tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư, coi đây là "hành vi khiêu khích nghiêm trọng, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc".

Trong khi đó, làn sóng biểu tình chống Nhật quy mô lớn chưa từng có trong vòng nhiều thập niên qua nhân ngày tưởng niệm 81 năm miền Bắc Trung Quốc bị quân phiệt Nhật xâm chiếm đã bùng phát trở lại, dữ dội hơn. Ở bên ngoài tòa đại sứ Nhật tại Thủ đô Bắc Kinh, hàng ngàn người vươn cao các biểu ngữ yêu nước, kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Một số người quá khích ném táo, chai nước và trứng vào đại sứ quán, nơi được 3 lớp lực lượng an ninh bán vũ trang và hàng rào gai kẽm bảo vệ nghiêm ngặt. Tại thành phố Thẩm Dương thuộc tỉnh Đông Bắc Liêu Ninh, hãng tin Kyodo cho biết người biểu tính ném gạch đá vào Lãnh sự quán Nhật Bản. Reuters chiều 18-9 cho hay phía Trung Quốc đã quyết định không cho các tay vợt cầu lông của nước này sang Tokyo tham dự giải Nhật Bản Mở rộng khai mạc trong tuần này, khiến ban tổ chức phải sắp xếp lại lịch thi đấu.

Lo ngại bị tấn công phá hoại như những ngày qua, hàng trăm doanh nghiệp và cơ quan ngoại giao Nhật hôm qua đã tiếp tục tạm thời đóng cửa. Chuỗi siêu thị Aeon đóng cửa tới 30 trong số 35 siêu thị của mình tại Trung Quốc. Nhà bán lẻ Fast Retailing đóng khoảng 1/4 trong số 45 cửa hàng Uniglo khắp Đại lục. Công ty máy móc xây dựng Hitachi thậm chí đưa 25 nhân viên của mình về nước vì bất ổn an ninh…

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Liên quan đến thông tin Trung Quốc tối 17-9 đưa 1.000 tàu đánh cá ra vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản sáng 18-9 cho hay chỉ thấy một chiếc tàu hải giám của Trung Quốc và cảnh báo tàu này phải rời khỏi khu vực. Chính phủ Nhật đã thành lập một đơn vị theo dõi hành trình của tàu đánh cá trái phép từ Trung Quốc. Nếu động thái cứng rắn này đúng sự thật, dư luận quan ngại có thể xảy ra đụng độ, tạo ra sóng gió quan hệ nghiêm trọng hơn so với sự kiện Nhật bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc hồi năm 2010.


Người biểu tình tỏ vẻ giận dữ tại thành phố Thành Đô ngày 18-9. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết