05/01/2023 - 09:00

Sôi nổi cuộc đua phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Khoảng 20 năm sau khi xuất hiện lần đầu trên bầu trời, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 vẫn là máy bay chiến đấu hiện đại và tốt nhất đang được sử dụng. Chỉ có 4 mẫu từ 3 quốc gia được chính thức ra mắt, gồm F-22, F-35 của Mỹ, J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga. Tuy nhiên, hiện có ít nhất 9 quốc gia đang quyết tâm sở hữu chiến đấu cơ thế hệ 6 theo hướng tự chế tạo hoặc hợp tác với các nước khác.

Ý tưởng thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Không quân Mỹ. Ảnh: US Air Force

Quy mô quá trình phát triển tiêm kích thế hệ 6 cho thấy nhiều quốc gia kỳ vọng tiêm kích này sẽ là một phần quan trọng trong phi đội máy bay chiến đấu của họ trong những thập niên tới. Những tính năng thế hệ 6 không được mô tả rõ bởi chiến đấu cơ thế hệ này chưa lộ diện. Máy bay ném bom B-21 trình làng gần đây được xem là chiến đấu cơ thế hệ 6 đầu tiên trên thế giới, song thông tin về những tính năng của nó cũng rất ít. Tuy nhiên, có một sự đồng thuận là chiến đấu cơ thế hệ 6 sẽ sở hữu nhiều tính năng tiên tiến hoặc mới, bao gồm thiết kế theo mô-đun cho phép thực hiện những nâng cấp liền mạch, năng lực mạng máy tính thông minh, khả năng phối hợp với máy bay không người lái (UAV) và tàng hình.

Sản xuất chiến đấu cơ thế hệ 5 đòi hỏi sự hiểu biết về công nghệ hiện đại, nền tảng công nghiệp tiên tiến và quan trọng nhất là đầu tư tài chính lớn. Ðơn cử như phát triển và chế tạo tiêm kích F-35 tiêu tốn tới 412 tỉ USD, chưa bao gồm chi phí vận hành và bảo dưỡng. Tương tự chiến đấu cơ “tiền nhiệm”, tiêm kích thế hệ 6 cũng sẽ đòi hỏi mức đầu tư “khủng”, do vậy nhiều quốc gia quyết định hợp tác nhằm chia sẻ kinh phí cũng như rút ngắn thời gian phát triển.

Mỹ “độc lập tác chiến”

Mỹ đang theo đuổi 2 dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6, trong đó một dự án dành cho không quân và một cho hải quân. Cả hai dự án chính thức có chung tên Chiến đấu cơ thế hệ mới thống trị trên không (NGAD) nhưng hải quân thường gọi dự án của họ là F/A-XX.

Chưa rõ nhà thầu nào phát triển các dự án NGAD hoặc hình hài chiến đấu cơ thế hệ 6. Nhưng một điều chắc chắn là NGAD sẽ là một bộ hệ thống giúp Mỹ đảm bảo thế thống trị trên không. Không quân Mỹ thừa nhận phát triển 4 công nghệ cho chương trình này, gồm động cơ chu kỳ biến thiên, vật liệu composite mới và bộ cảm biến mới. Trong đó, bộ cảm biến mới là các radar hiện đại, cảm biến hồng ngoại và camera quang điện được
cải tiến.

NGAD cũng bao gồm Máy bay tác chiến hợp tác, tức các UAV được thiết kế để yểm trợ chiến đấu cơ thế hệ 6. Các UAV này sẽ kết nối với chiến đấu cơ thế hệ 6 và có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao phó, cho phép tiêm kích vừa triển khai UAV vừa bắn phá các mục tiêu khác bằng những vũ khí tầm xa mới như tên lửa AIM-260.

Trong khi đó, F/A-XX cũng sẽ trang bị những đặc tính tương tự, bao gồm khả năng kết nối mạng với các hệ thống không người lái, phù hợp với mục tiêu Hải quân Mỹ đề ra là thiết bị bay tự hành sẽ chiếm 60% số phi đội máy bay trên hàng không mẫu hạm trong tương lai.

Vào năm 2020, Không quân Mỹ từng tiết lộ đã cho bay thử nghiệm một nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ 6 trong khuôn khổ NGAD mặc dù các quan chức nói chương trình vẫn ở giai đoạn thiết kế. Không quân hy vọng biên chế NGAD vào năm 2030, trong khi F/A-XX cũng được đưa vào phục vụ trong thập niên đó.

Châu Âu hợp sức

Năm 2017, Pháp và Ðức lần đầu tiên công bố kế hoạch cho dự án mang tên “Hệ thống Tác chiến trên không tương lai” (FCAS), Hai năm sau, Tây Ban Nha nhảy vào dự án này.

FCAS cũng hướng tới mục tiêu phát triển một bộ hệ thống thống trị trên không, với chiến đấu cơ thế hệ 6 mang tên NGF là trọng tâm. NGF sẽ có động cơ, các hệ thống vũ khí mới, cảm biến hiện đại, công nghệ tàng hình cũng như khả năng kết nối với UAV và “đám mây tác chiến”. NGF được chế tạo nhằm thay thế các tiêm kích Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của Ðức và Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có kế hoạch phát triển một biến thể dành cho tàu sân bay của Pháp. Trị giá khoảng 106 tỉ USD, dự án FCAS là một trong những chương trình hợp tác phát triển vũ khí lớn nhất của châu Âu từ trước đến nay.

Tháng 12-2022, quân đội Pháp đã công bố hợp đồng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới của châu Âu, dự án chủ chốt trong nỗ lực tích hợp năng lực quân sự của lục địa già. Hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu và Tập đoàn Dassault Aviation của Pháp, cùng với Công ty Indra của Tây Ban Nha và một loạt nhà thầu phụ khác sẽ hợp tác trong dự án FCAS, đối trọng với dự án Tempest của liên danh Anh, Ý, Thụy Ðiển và Nhật Bản. Theo thông báo chung của các công ty, hợp đồng lịch sử này, trị giá 3,4 tỉ USD, sẽ bao gồm nhiệm vụ chế tạo một mẫu NGF và các phụ tùng liên quan trong khoảng thời gian 3 năm rưỡi. Mẫu NGF dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2029, trước khi được đưa vào trang bị từ năm 2040.

Nga, Trung, Ấn không đứng ngoài cuộc

Tháng 9 năm ngoái, Tướng Mark Kelly, người đứng đầu Bộ chỉ huy tác chiến trên không của Không quân Mỹ, cho rằng Trung Quốc đang trong kế hoạch phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6. Trước đó, Wang Haifeng, kiến trúc sư trưởng tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thành Ðô tiết lộ rằng máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Trung Quốc sẽ ra đời sớm nhất vào năm 2035. Theo Haifeng, chiến đấu cơ này có khả năng phối hợp tác chiến cùng UAV, sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng như được trang bị các vũ khí năng lượng định hướng.

Về phần mình, Nga được cho đang có kế hoạch phát triển chiến đấu cơ thế hệ 6 giống NGAD của Mỹ. Ðược biết, tiêm kích thế hệ mới của Mát-xcơ-va sẽ được phát triển dựa trên máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57, với 2 phiên bản có và không có người lái.

Riêng Ấn Ðộ dù vẫn đang nghiên cứu mô hình tiêm kích thế hệ 5 nhưng cũng bắt đầu lên kế hoạch chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 6.

Chia sẻ bài viết