08/12/2009 - 21:06

Sắt son lời nguyện ước

Anh ngồi miệt mài xoa bóp chân tay cho vợ, mỗi khi vợ nhăn mặt đau đớn, anh nghe tim mình như bị ai bóp nghẹn. Mắt không nhìn thấy đường nhưng anh cảm nhận được vợ ở từng hơi thở, dù trong hoàn cảnh nào, anh luôn dành cho vợ những câu nói, hành động thương yêu, như lời nguyện ước cùng chia ngọt sẻ bùi của 20 năm về trước.

 Anh Phạm Thanh Hùng xoa bóp cho vợ  bớt đau đớn vì bệnh tật.

Người đàn ông hết lòng thương vợ ấy tên Phạm Thanh Hùng, 43 tuổi, ngụ tại phường An Phú, hội viên Hội Người mù quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 3 năm nay, vợ anh, chị Lý Thị Hồng Hương, bị bệnh tiểu đường và thận, nằm liệt giường, anh hết lòng chăm sóc. Nuôi vợ bệnh hiểm nghèo trong cảnh thiếu trước hụt sau càng làm sáng lên tình yêu, tinh thần trách nhiệm của anh Hùng đối với người bạn đời đang chịu nhiều bất hạnh.

Anh Hùng xuất thân trong một gia đình nghèo đông anh em ở Cần Thơ. Năm 10 tuổi, sau một cơn bạo bệnh, bác sĩ chẩn đoán anh bị khô võng mạc, mắt anh mờ dần rồi không còn thấy đường. Sống trong bóng tối, nhưng anh vẫn nỗ lực vươn lên, không để mình thành người tàn phế. Anh đi bán trái cây dạo đắp đổi qua ngày. Trong những tháng ngày rong ruổi, anh Hùng gặp và nên duyên cùng chị Hương, lúc đó anh vừa tròn 23 tuổi. Lấy nhau trong cảnh nghèo, vợ chồng anh càng thêm trân trọng hạnh phúc mình đang có. Anh Hùng kể: “Tôi nhớ như in bữa làm lễ trước bàn thờ ông bà, má tôi đặt bàn tay vợ vào tay tôi, dặn dò: “Vợ chồng là ăn đời ở kiếp, không được phụ nhau”. Anh được cha mẹ cho cái nhà nhỏ ra riêng, thấy bên nhà vợ đơn chiếc, anh Hùng rước mẹ và em vợ về ở chung. Ngày ngày anh em, vợ chồng cùng nhau đẩy xe trái cây đi bán. 3 đứa con lần lượt ra đời, tổ ấm tràn ngập niềm vui nhưng cũng lắm nổi lo toan. Thời gian này chị Hương bắt đầu nhức mỏi, tưởng bệnh lặt vặt nên chị uống thuốc nam cho qua, không ngờ sau khi đi bệnh viện về, sức khỏe chị sa sút rồi nằm liệt giường suốt 3 năm nay.

Thương vợ, anh Hùng nghỉ bán trái cây, ở nhà cận kề chăm sóc. Mất một người làm, kinh tế gia đình khó khăn hơn, anh Hùng bù đắp cho vợ bằng sự tận tụy, hết lòng lo lắng trong từng việc nhỏ hàng ngày. Biết người bệnh hay tủi thân nên anh ý tứ trong từng lời ăn tiếng nói, tránh làm vợ mặc cảm, buồn phiền. Mấy lần vợ lên cơn co giật, bất tỉnh, anh Hùng quáng quàng cõng vợ trên lưng chạy đi kêu xe cấp cứu, mặc cho đầu, tay chân va vào hàng rào, vách tường đau buốt. Ngày nào trước khi đi chợ, anh cũng hỏi vợ thích ăn gì để mua. Mỗi khi nấu cơm xong, anh đều đút cho chị ăn trước, còn mình đợi các con về ăn chung cho vui. Anh Hùng kể: Tuần trước, thấy chồng đang ngủ say, giữa đêm chị Hương không đành gọi, ráng ngồi dậy tự đi vệ sinh, bị té đập đầu xuống gạch. Từ đó trở đi, anh Hùng dặn lòng ban đêm dù mệt cỡ nào cũng phải ráng thức, khi nào buồn ngủ, anh lấy cái khăn chườm nước đá lên mặt cho tỉnh. Cơn bệnh hành hạ làm chị Hương đau nhức suốt, uống thuốc cũng không thuyên giảm mấy. Ngày nào cũng vậy, sau khi làm xong công việc nhà, anh Hùng miệt mài xoa bóp chân tay cho vợ. Những khi tay không xoa bóp nổi nữa mà vợ vẫn còn đau, anh quấn khăn vào tay massage cho vợ. Anh còn lấy vải bện cho vợ một cọng dây treo ngay đầu giường để khi khỏe, anh tập vợ ngồi dậy. Hiện tại, tay chân chị Hương bị lở, chảy nước vàng, cả người bị sưng, căng cứng. Những lúc bệnh trở nặng, sợ tốn tiền, chị Hương không chịu đi bệnh viện, anh Hùng năn nỉ, khóc, nói hết lời để chị đi, dù biết sau đó là những món nợ chồng chất không biết đến bao giờ mới trả hết.

Mỗi sáng, anh Hùng nấu cháo, kho quẹt để các con ăn đi học. Ba đứa con gái của anh Hùng rất ngoan, hết mực hiếu thảo với cha mẹ. Con gái lớn tên Phạm Thị Thanh Trúc, đang là sinh viên (SV) năm thứ hai Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ; con gái kế là Phạm Thị Thanh Thanh, SV năm thứ nhất Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ; con gái út Phạm Thị Mai Quế đang học lớp 10 Trường THPT Châu Văn Liêm. Cả 3 chị em đều học rất giỏi, riêng Mai Quế, năm nào cũng lãnh học bổng của các tổ chức trong và ngoài nước, được miễn học phí. Đầu năm học này, Quế được tặng chiếc xe đạp mới để đi học. Để đỡ mối lo cho cha mẹ, Trúc và Thanh vay tiền đi học, tài sản đáng giá nhất trong nhà là chiếc máy vi tính cũ Thanh vừa vay tiền mua để phục vụ việc học.

Khoe với chúng tôi gần 30 tờ giấy khen của các con, anh Hùng rưng rưng xúc động, nói: “Dù cực khổ cỡ nào tôi cũng ráng nuôi con ăn học, để vun đắp cho tương lai của các con về sau. Thương con, vợ chồng tôi càng phải sống tốt với nhau để các con được hạnh phúc”. Thanh Trúc tâm sự: “Ngày xưa, cha là người dạy chúng em những con chữ vỡ lòng, tối nào cha cũng đôn đốc học bài, chỉ dạy trong từng lời ăn tiếng nói, gieo cho chúng em niềm say mê học tập. Em học ngành Y để có điều kiện chăm sóc mẹ tốt hơn, giúp cha đỡ vất vả”. Ngoài giờ học, 3 chị em phụ cậu đi lấy trái cây về gọt ngâm để bán, xoa bóp cho mẹ đỡ đau. Những lúc có các con quây quần, anh Hùng mới có chút thời gian nghỉ ngơi. Lúc trước, anh Hùng không bỏ một buổi họp phụ huynh nào của con. 3 năm nay, từ khi vợ liệt giường, Thanh Trúc thay cha đi họp cho các em. Không được có diễm phúc nhìn thấy mặt con, nhưng nghe mọi người nói con giống cha, anh vui lắm. Hỏi mong mỏi điều gì, anh Hùng rưng rưng nói: “Tôi ước cho vợ mau khỏe, các con học thành tài, còn mình cực sao cũng được”.

Nghe chồng kể chuyện, chị Hương nằm trên giường phía nhà sau thút thít khóc. Chị Hương xúc động cho biết: “Mỗi lần tôi nằm viện, anh Hùng trực tiếp vào nuôi, mấy năm nay, mọi sinh hoạt của tôi đều trông cậy vào chồng. Ảnh sống tình nghĩa, ai cũng thương quý. Mong kiếp sau tôi và ảnh còn duyên nợ với nhau để tôi trả ơn này”. Còn đối với anh Hùng, đạo vợ chồng phải nương náu nhau mà sống, không tính toán thiệt hơn. 20 năm qua, bằng ánh sáng của niềm tin và tình yêu đối với vợ con, anh Hùng đã giữ lửa cho mái ấm gia đình, theo thời gian nghĩa càng sâu, tình càng nặng. Anh không cho rằng mình bất hạnh, mà thấy vui vì vợ đã hiểu được lòng chồng.

Mấy chục năm nay, ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp ở số 71/58 Lý Tự Trọng, phường An Phú là tổ ấm của anh Hùng với 3 đứa con, em vợ và mẹ vợ. Năm rồi, mẹ vợ anh Hùng lên TP Hồ Chí Minh bán vé số với người quen, phụ gởi tiền về cho con gái chữa bệnh. Còn người em vợ 39 tuổi tên Nguyễn Văn Hùng, kể: “Anh rể tôi là người rất tốt, chưa bao giờ nặng lời với ai trong nhà. Mấy năm nay, nhờ anh tận tình lo lắng, chị tôi mới kéo dài được sự sống. Tôi sẽ ở đây phụ anh chăm sóc chị và các cháu”. Hiện nay, nguồn sống của gia đình anh Hùng phụ thuộc vào xe trái cây dạo của anh Văn Hùng, mỗi ngày lời nhiều lắm cũng chỉ 50.000 đồng, bằng phân nửa chi tiêu hàng ngày của 6 nhân khẩu trong nhà, trong đó, tiền thuốc của chị Hương khoảng 40.000 đồng/ngày. Có ngày bán ế, anh Văn Hùng phải đi đến khuya mới về.

Ông Lê Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Ninh Kiều, cho biết: “Gia đình anh Hùng là gương điển hình vượt khó vươn lên của Hội Người mù quận Ninh Kiều. Dù sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng anh vẫn kiên trì bước tới, lo cho các con ăn học đàng hoàng. Điều đáng quý nhất ở anh là một người chồng hết mực thương yêu vợ, người cha có trách nhiệm với con cái. Sự hy sinh thầm lặng của anh đã vun vén cho hạnh phúc gia đình, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết