31/12/2007 - 09:45

Quyết liệt cuộc đua phát triển vệ tinh định vị toàn cầu

Tuần rồi, Nga phóng thêm 3 vệ tinh vào quỹ đạo, đưa số vệ tinh thuộc hệ thống định vị GLONASS lên 18 vệ tinh. Dự kiến đến cuối năm 2009, GLONASS với 24 vệ tinh sẽ phủ sóng toàn cầu và trở thành đối trọng của hệ thống GPS của Mỹ và Galileo (đang triển khai) của Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn tin tưởng rằng GLONASS sẽ “rẻ và chất lượng hơn” so với GPS.

 Vệ tinh GLONASS của Nga. Ảnh: Pravda

GLONASS được Liên Xô bắt đầu phát triển từ năm 1976 với mục tiêu sẽ bao phủ toàn cầu vào năm 1991. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết kéo theo khủng hoảng kinh tế khiến kế hoạch này bị hoãn lại. Năm 2001, tức một năm sau khi trở thành tổng thống, ông Putin quyết định khôi phục dự án, kêu gọi sự hợp tác của chính phủ Ấn Độ và đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2009.

Trong khi đó, các nước thành viên EU hồi trung tuần tháng 11-2007 nhất trí thông qua khoản chi ngân sách trị giá 3,5 tỉ USD và đặt thời hạn vào năm 2013 sẽ đưa mạng lưới 30 vệ tinh Galileo vào hoạt động. Cần nói thêm là ngoài 27 quốc gia thành viên EU, Galileo còn có sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc, Maroc, Ukraina và Arabie Séoudite. Để cạnh tranh với GPS, EU và Nga nhất trí sẽ thiết kế sao cho Galileo và GLONASS tương thích về mặt công nghệ để bổ sung cho nhau.

Về phần mình, lo ngại sự thống trị của GPS có thể bị phá vỡ trong một tương lai không xa nên hồi tháng rồi, Mỹ thông báo kế hoạch phát triển GPS thế hệ thứ 3 và dự kiến sẽ đưa số vệ tinh mới đầu tiên lên quỹ đạo vào cuối năm 2013. Theo trang web phân tích an ninh quốc phòng quốc tế của tổ chức Globalsecurity.org, hệ thống GPS mới sẽ bao gồm 32 vệ tinh, có sức mạnh truyền tin cao hơn gấp 500 lần và khả năng chống bị nhiễu sóng cao hơn nhiều lần so với GPS hiện hành. GPS hiện hành có 31 vệ tinh với chi phí duy trì hoạt động lên tới 750 triệu USD/năm.

GPS, được Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển vào năm 1986, được sử dụng phổ biến trên hầu hết các lĩnh vực đời sống dân sự tại Mỹ và trên khắp thế giới, đồng thời nó giúp các cơ quan tình báo Mỹ nâng cao khả năng thu thập thông tin, nhất là trong việc sử dụng vũ khí định vị và tên lửa dẫn đường. Đây là vấn đề khiến Nga và cả châu Âu phải nỗ lực phát triển hệ thống định vị riêng để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Trung Quốc hiện đang thử nghiệm hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu 1 với 4 vệ tinh, có tầm hoạt động giới hạn và chủ yếu phục vụ mục đích dân sự. Song song đó, nước này cũng đang xúc tiến việc phát triển một hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu thực thụ mang tên Bắc Đẩu 2 với 35 vệ tinh.

Không chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi, Ấn Độ đang triển khai dự án xây dựng hệ thống vệ tinh định vị khu vực IRNSS, có tầm hoạt động vươn khỏi lãnh thổ nước này 2.000 km. Dự kiến vệ tinh đầu tiên sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2009 và IRNSS (gồm 7 vệ tinh) bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012.

V.P (Theo Pravda, AFP, Xinhua, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết