20/04/2020 - 10:18

“Lớn lên trên đảo vắng”

Phiêu lưu và học hỏi những điều thú vị 

Nếu văn học Anh có Robinson Crusoe nổi tiếng khắp thế giới thì văn học Thụy Sĩ không hề kém cạnh với câu chuyện về gia đình Robinson trong tiểu thuyết “Lớn lên trên đảo vắng” của tác giả Johann Wyss. Không chỉ đậm chất phiêu lưu, tác phẩm còn đề cao việc đoàn kết, yêu thương và giáo dục con cái tự lập, thích nghi với cuộc sống nơi khắc nghiệt.

Sách do NXB Kim Đồng phát hành qua bản dịch của Hoàng Thái Anh.

Ông William Robinson quyết định đưa vợ và 4 con trai rời quê hương Thụy Sĩ sang châu Mỹ lập nghiệp. Trên đường đi, một cơn bão dài ngày khiến con tàu chở gia đình ông bị vỡ và có nguy cơ chìm. Mọi người vội xuống thuyền cứu hộ rời bỏ tàu, gia đình Robinson bị mắc kẹt lại cùng con tàu ở bãi đá ngầm khá gần một hòn đảo. Bằng mọi nỗ lực, họ đã thoát khỏi tàu và đến được đảo. Cả gia đình tận dụng những thứ còn lại trên tàu, cộng với những gì có trên đảo để xây dựng và ổn định cuộc sống...

Toàn bộ câu chuyện ngợi ca sự sáng tạo và sức lao động bền bỉ của con người để thích nghi trong môi trường mới đầy hiểm nguy và thiếu thốn. Bạn đọc thích thú dõi theo từng bước chân của gia đình Robinson khám phá và sinh tồn trên hoang đảo. Từ lúc họ dựng ngôi lều tạm trên bờ biển đến lúc họ làm nhà trên cây tránh thú rừng, đục núi đá làm nhà trong hang động tránh mưa bão… Cả gia đình đã hợp lực làm nên hàng loạt công trình lớn như: bắc cầu, làm nhà, dựng các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai khẩn đất hoang trồng trọt, đóng thuyền bè… Mỗi một công trình thấm đẫm mồ hôi, sự đoàn kết và chứa đựng những bài học lao động, sáng tạo quý giá. Nếu ông William tỏ rõ bản lĩnh là trụ cột gia đình, thông minh, hiểu biết và đầy nghị lực thì vợ ông, bà Elizabeth lại rất đảm đang, khéo léo; 4 cậu con trai đều thông minh, ham học hỏi và có nhiều tài lẻ. Mọi người hợp lại tạo nên sức mạnh đánh tan mọi khó khăn, thử thách. Đặc biệt, cách người cha dạy con lao động, truyền dạy kiến thức và kích thích sự sáng tạo, khám phá của các con trong điều kiện thiếu thốn và nhàm chán nơi đảo vắng cũng là một điểm lôi cuốn của câu chuyện.

Tác phẩm còn thấm đẫm chất phiêu lưu khi cả gia đình không ngừng khám phá hòn đảo và thám hiểm những khu vực xung quanh. Từng khu rừng, bãi đá, con suối, ao đầm, thảo nguyên… trên đảo đều in dấu chân của họ và dần trở thành lãnh địa dưới sự cai quản của nhà Robinson. Đặc biệt, những cuộc săn bắn nguy hiểm, những cuộc đối đầu với gấu, trâu rừng, sư tử, trăn khổng lồ, cá mập… đầy gay cấn khiến người đọc không thể rời mắt khỏi trang sách. Thiên nhiên tươi đẹp, kỳ bí cùng các loài động vật, thực vật trên đảo và vùng biển cũng là chất xúc tác tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Cả cuốn sách cũng như một cuốn cẩm nang kiến thức về thế giới tự nhiên và kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã ...

“Lớn lên trên đảo vắng” có một cái kết hợp lý với gia đình Robinson sau 10 năm sống trên hoang đảo. Câu chuyện tươi sáng và tràn đầy tình yêu cuộc sống sẽ góp phần động viên độc giả luôn lạc quan và vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết