16/08/2008 - 22:58

Phiên dịch viên bất đắc dĩ

Một phiên dịch Iraq làm việc cho quân đội Mỹ. Ảnh: Csmonitor

Trong quá trình bình định Iraq, quân đội Mỹ rất cần người phiên dịch bản xứ để giúp liên quân chiếm đóng vượt qua các rào cản ngôn ngữ, đồng thời hiểu được văn hóa và nguyện vọng của thường dân Iraq. Trong số những thông dịch viên Iraq làm việc cho quân đội Mỹ, Brad (không phải tên thật) là người có thâm niên nhất nên có thể thấu hiểu thân phận của những người hành nghề giống mình.

Brad đến với nghề phiên dịch trong một dịp rất tình cờ. Đó là năm 2004, bữa nọ đội quân tuần tra Mỹ dừng lại gần nhà anh ở quận Adhamiya (Baghdad) do một phụ nữ lớn tuổi ra dấu nhờ họ giúp đỡ truy tìm kẻ trộm mới viếng nhà bà. Do lính Mỹ không hiểu người này muốn nói gì, Brad xung phong làm thông ngôn, thực hành chút tiếng Anh mà anh học được ở phổ thông. Ấn tượng trước khả năng tiếng Anh của Brad, và cũng nhằm lúc đang cần người phiên dịch, viên chỉ huy đã mời Brad đi theo hỗ trợ ngôn ngữ cho binh lính Mỹ trong buổi tuần tra hôm đó. Về sau, mỗi lần đi tuần, viên chỉ huy ấy đều kêu Brad đi theo và trả cho anh thù lao là 80 USD (1.300.000 đồng)/tháng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng đã giúp Brad trang trải phần nào cuộc sống túng quẫn trong lúc chẳng có công ăn việc làm.

Khoảng một năm sau, Brad trở thành thông dịch viên chính thức cho quân đội Mỹ. Hiện nay, lương của anh tương đương cấp bậc đại úy trong quân đội Iraq. Lúc lính Mỹ mới chiếm đóng Iraq, Brad cho rằng làm phiên dịch viên là cách tốt nhất để giúp đất nước mình. “Khi quân đội Mỹ đến Iraq, họ chẳng biết gì về đất nước này, nói gì đến văn hóa, phong tục, quan điểm, cách tiếp cận với người địa phương..., nên tôi thấy mình cần phải đứng ra giúp đỡ họ”, Brad bộc bạch. Gần 5 năm qua, Brad đã làm thông ngôn cho ít nhất 10 đơn vị quân Mỹ, và anh chứng kiến nhiều lính Mỹ từng làm việc chung với mình nay quay trở lại Iraq lần hai.

Ban đầu Brad dự tính chỉ làm việc cho lính Mỹ trong vài năm, dành dụm tiền mua nhà ở Iraq rồi sẽ chuyển nghề, nhưng rồi anh quyết định trụ lại với nghề khi Iraq tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào năm 2005. Đơn vị anh được phân công bảo đảm an ninh cho cử tri ở Baghdad. Brad coi đó là cơ hội cải thiện hình ảnh thành phố quê hương mình khi góp phần bảo đảm một cuộc bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, hàng xóm của anh thì không nghĩ vậy, họ cho rằng Iraq không thể có được dân chủ và tự do khi mà vẫn nằm dưới ách chiếm đóng của Mỹ. Sau cuộc bầu cử, một nhà thờ ở Baghdad đã công khai danh tánh của Brad và kêu gọi mọi người “xử” kẻ phản quốc như anh.

Từ đó, Brad không dám đi bộ ngoài đường cũng như không dám đặt chân ra chợ. Hơn một năm rưỡi qua, anh cũng không dám về thăm gia đình. “Tôi đã đánh mất cuộc đời của một công dân Iraq”, Brad than thở. Hiện nay, anh hy vọng cùng bạn gái, cũng là thông dịch viên cho lính Mỹ, có thể nhận visa đi Mỹ hay bất cứ nơi nào ở châu Âu. Tháng rồi, đại sứ quán Mỹ tại Baghdad thông báo Washington đã mở rộng chương trình nhập cảnh, theo đó trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ cấp 5.000 visa cho những công dân Iraq làm việc cho chính phủ Mỹ. Trong khi chờ đợi, Brad vẫn sống trong cảnh trốn tránh, che giấu họ tên thật bằng nhiều biệt danh để được toàn thân.

Hiện chưa có thống kê bao nhiêu phiên dịch viên Iraq làm việc cho Mỹ, nhưng nhiều người cho rằng con số này ngày càng đông. Sĩ quan Matthew Meyer cho biết Tiểu đoàn vũ khí hỗn hợp của anh năm 2003 chỉ có 3 phiên dịch, nay tăng lên tới gần 55 người. Trước đây, thông dịch viên chỉ phục vụ cho các chỉ huy cấp cao Mỹ nhưng hiện nay mỗi đơn vị lính Mỹ khi đi tuần tra đều được “trang bị” ít nhất một phiên dịch viên. Matthew thừa nhận phiên dịch là một nghề nguy hiểm, và cái giá (nhân mạng) mà người bản xứ phải trả luôn cao hơn lính Mỹ.

PHÚC NGUYÊN (Theo Csmonitor)

Chia sẻ bài viết