24/11/2020 - 20:20

Ông Trump chấp nhận chuyển giao quyền lực 

Khẳng định theo đuổi cuộc chiến pháp lý đến cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump mặt khác “bật đèn xanh” cho tiến trình chuyển giao quyền lực.

Tổng thống đắc cử Biden (phải) và cựu Ngoại trưởng Kerry, tân đặc phái viên về biến đổi khí hậu. Ảnh: AP

Viết trên Twitter hôm 23-11, Tổng thống Trump nói rằng ông đã “khuyến nghị” Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) và các bên liên quan sẵn sàng kích hoạt giao thức khởi động tiến trình chuyển tiếp. “Chúng tôi vẫn tiếp tục tranh đấu cho cuộc chiến pháp lý và tôi tin mình sẽ thắng. Nhưng xét đến lợi ích quốc gia, tôi đã đề nghị Giám đốc GSA Emily Murphy cũng như ủy quyền cho nhân viên chính phủ thực hiện chức trách của họ về việc chuyển tiếp” - trích dòng tweet của ông Trump.

Ðộng thái này được đưa ra giữa lúc thách thức pháp lý mà Tổng thống Trump theo đuổi nhằm lật ngược kết quả bầu cử hầu như đã thất bại hoàn toàn ở các bang quan trọng. Hôm 23-11, Michigan chính thức chứng nhận kết quả bầu cử và trao 16 phiếu đại cử tri cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Nhiều nhân vật cao cấp đảng Cộng hòa, quan chức an ninh quốc gia và giới điều hành doanh nghiệp theo đó đề nghị tổng thống nhanh chóng cho phép tiến trình chuyển giao diễn ra. Nhưng một cố vấn Nhà Trắng cho biết, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump không đồng nghĩa ông thừa nhận thua cuộc hay nhượng bộ kết quả bầu cử. Vị này khẳng định tình huống hiện tại chỉ giống việc hai ứng viên tổng thống cùng được phép nhận thông tin về các cuộc họp giao ban trong chiến dịch tranh cử.

Theo Hãng tin Reuters, GSA cùng ngày đã gởi thông báo tới nhóm của Tổng thống đắc cử Biden về việc họ được phép tiếp cận nguồn lực, dịch vụ liên quan tiến trình chuyển giao. Trước đó, ông Trump trong dòng tweet đặc biệt cám ơn bà Murphy vì những “cống hiến bền bỉ và lòng trung thành” với đất nước, bất chấp những lời “đe dọa, quấy rối và lạm dụng”. Ðược ông Trump bổ nhiệm lãnh đạo GSA năm 2017, bà Murphy những ngày qua bị chỉ trích vì kéo dài thời gian ký xác nhận ông Biden thắng cử. Trong lá thư thừa nhận chuyện bị đe dọa vì không bắt đầu tiến trình chuyển đổi sớm hơn, lãnh đạo GSA khẳng định bản thân không nhận bất kỳ chỉ đạo nào để trì hoãn các thủ tục. Tương tự, việc GSA thông qua hôm nay cũng là quyết định của bản thân bà dựa trên luật pháp cùng tình hình thực tế mà không phải vì sợ hãi hay thiên vị.

Dù nguyên nhân gì, nhóm của Tổng thống đắc cử Biden giờ đây có thể làm việc với văn phòng chính phủ, gặp gỡ các quan chức để thảo luận chính sách. Ðội ngũ của ông Biden đồng thời nhận tiền quỹ khoảng 7,3 triệu USD và sử dụng nguồn lực liên bang phục vụ công tác bổ nhiệm nội các và chính quyền.

Nhiều nhân vật cũ tái xuất trong nội các mới

Với chủ trương hủy bỏ các sách lược dựa trên quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của tổng thống đương nhiệm, ông Biden hôm 23-11 đã ưu tiên công bố nhiều vị trí quan trọng về đối ngoại và an ninh quốc gia. Nổi bật là bổ nhiệm thành viên Nhà Trắng thời Barack Obama, Jake Sullivan, làm cố vấn an ninh quốc gia và một trong những nữ quan chức ngoại giao da màu cấp cao nhất của Mỹ Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ ở Liên Hiệp Quốc. Cùng với ông Antony Blinken giữ chức ngoại trưởng, hai nhân vật nói trên được nhận định trung thành với ông Biden và có chính sách đối ngoại trung dung. Cần nhắc lại là ông Blinken từng giữ chức thứ trưởng ngoại giao dưới thời Obama.

Trong động thái đảo ngược chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump, ông Biden bổ nhiệm luật sư gốc Cuba Alejandro Mayorkas đứng đầu Bộ An ninh Nội địa, trở thành người Mỹ gốc Latinh đầu tiên lãnh đạo cơ quan này. Một quyết định khác đi vào “lịch sử” nữa là ghế Giám đốc Tình báo Quốc gia được giao cho cựu Phó Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Avril Haines. Nếu được Thượng viện xác nhận, bà Haines sẽ là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ. Ngoài các vị trí trên, ông Biden đã chỉ định cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về biến đổi khí hậu và gia nhập Hội đồng An ninh Quốc gia, trong khi ghế Bộ trưởng Tài chính về tay cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen.

Trong tuyên bố, Tổng thống đắc cử Biden cho biết đây là những thành viên “chủ chốt” có nhiệm vụ tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu sau chính sách thờ ơ với các thiết chế đa phương, rút khỏi nhiều hiệp ước quốc tế của chính quyền Trump. Theo BBC, hầu hết các chuyên gia đồng ý đội ngũ ngoại giao ông Biden đưa vào có kinh nghiệm hơn những người Tổng thống Trump đã bổ nhiệm, chẳng hạn như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, người từng là giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil. Nhưng di sản của ông Trump tại Bộ Ngoại giao - vốn chứng kiến ​​nhiều nhà ngoại giao vỡ mộng và phải ra đi - còn rất sâu sắc và không thể nhanh chóng thay đổi trong một sớm một chiều.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết