Sau khi giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử ngày 6-11, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải nỗ lực giải quyết hàng loạt hồ sơ quan hệ quốc tế mà ông từng cam kết thực hiện. Sau đây là một số thách thức trọng tâm mà vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sẽ cần làm trong nhiệm kỳ hai được dự báo là không dễ dàng gì.
Trung Đông
|
Ông Obama đã giành chiến thắng nhưng vẫn còn nhiều thách thức đối ngoại đang chờ ông ở phía trước. Ảnh: Getty Images |
Theo hãng tin Anh BBC, các cuộc khủng hoảng tại khu vực Trung Đông có thể vẫn còn tồn tại trong nhiều thập kỷ tới. Tình trạng căng thẳng giáo phái, bạo lực sắc tộc và tôn giáo có thể sẽ không ngừng diễn ra tại nhiều nước cùng với các cuộc khủng hoảng kinh tế, sự bùng nổ dân số và tình trạng thất nghiệp sẽ khiến khu vực này ngày càng tồi tệ hơn. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cho chính sách đối ngoại của ông Obama là làm sao có thể nhận ra được các hình thức khác nhau của chủ nghĩa Hồi giáo và thiết lập các mối quan hệ bền vững. Dù xác định châu Á-Thái Bình Dương là khu vực then chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng Trung Đông chắc chắn sẽ chiếm vị trí ngang bằng trong nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của ông Obama.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran của Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực. Trước ngày bầu cử tổng thống, có một số thông tin cho biết Tehran mong muốn có những cuộc trao đổi trực tiếp với Washington. Điều này có thể tạo ra một bước đột phá trong mối quan hệ Mỹ-Iran nhưng đó cũng có thể là một cách để Tehran cố gắng vượt ra khỏi sự kiềm kẹp và chia rẽ liên minh các cường quốc phương Tây áp đặt lệnh cấm vận nước mình. Như vậy, nếu lệnh trừng phạt Iran thất bại, chính quyền Obama sẽ có thể đưa ra một quyết định mang tính sống còn bằng hành động quân sự. Tuy nhiên, trước khi có thể phong tỏa Iran, mục tiêu chiến lược then chốt trước mắt của Mỹ là giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hết sức phức tạp tại Syrie. Đây là một vấn đề khó khăn, bởi các cường quốc phương Tây và các đồng minh của Mỹ trong khu vực không thể can thiệp quân sự, hoặc hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho phe đối lập vốn có nhiều thành phần cực đoan "bất hảo".
Các mối quan hệ giữa Mỹ với Ai Cập và Arabie Séoudite có thể tiếp tục là trụ cột chính để Mỹ xích lại gần hơn với thế giới A-rập, nhưng nếu Mỹ không giải quyết được tiến trình hòa bình đang bế tắc giữa Israel và Palestine thì có nguy cơ phát sinh thêm một cuộc khủng hoảng trong bối cảnh dư luận A-rập ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Trung Quốc
Duy trì mối quan hệ với Trung Quốc sẽ phụ thuộc đáng kể vào việc chính phủ mới ở nước này quyết định như thế nào về cơ cấu chính sách đối ngoại của họ trong thập niên tới. Sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong việc tranh chấp hải đảo trên Biển Hoa Đông và Biển Đông đã tạo ra nhiều căng thẳng. Điều này khiến nhiều nước mong chờ vào chính sách tái cân bằng của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, điều này sẽ có thể làm cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu thêm.
Trong nhiệm kỳ đầu của mình, chính quyền Obama đã gia tăng áp lực thương mại chống Trung Quốc, nhưng đồng thời vẫn tìm cách làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, giảm nhẹ khả năng xung đột quân sự dù Bắc Kinh đang bắt đầu thách thức vị thế số một của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông Obama giờ đây sẽ chịu sức ép của phe Cộng hòa phải coi Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ", dù điều này có thể gây ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nga
Trong các buổi tranh luận trước ngày bầu cử, đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney mô tả Nga hiện là "kẻ thù địa chính trị số một" của Mỹ và rằng Mát-xcơ-va có khả năng vô hiệu hóa các hành động phối hợp trên đấu trường thế giới, chẳng hạn như việc Nga từ chối đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm chống lại chế độ Bashar al-Assad ở Syrie. Tuy nhiên, Nga dường như vẫn chỉ là một cường quốc khu vực chứ chưa phải là đối thủ quân sự và hệ tư tưởng toàn cầu của Mỹ như thời Chiến tranh lạnh. Vì vậy, trong nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Obama cần phải "khởi động lại" mối quan hệ đang còn dang dở với Nga như cam kết từ hồi nhiệm kỳ đầu. Washington phải theo đuổi chính sách tiếp cận thực dụng, tránh dùng biện pháp "đao to búa lớn" để tìm kiếm sự thỏa hiệp có thể có với Mát-xcơ-va.
Mỹ La-tinh
Trong những năm qua, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia tại Mỹ La-tinh, đặc biệt là Brazil và Chile. Tuy nhiên, theo như lời của Tinker Salas, một giáo sư nghiên cứu về Mỹ La-tinh tại Đại học Pomona (Mỹ), Washington đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong vai trò của mình tại khu vực được coi là "sân sau" này của mình. "Gã khổng lồ" Bắc Mỹ hiện đang đứng trước yêu cầu của dư luận trong nước là phải nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực nhằm loại bỏ Trung Quốc vốn đã có một vị thế ngày càng vững vàng hơn về thương mại và đầu tư. Vì vậy, điều mà ông Obama cần thực hiện là làm thế nào để có được lòng dân nơi đây. Tuy nhiên, điều kiện hóc búa là Nhà Trắng phải tiếp tục nới lỏng và tiến tới xóa bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba, đất nước anh hùng luôn nhận được sự hậu thuẫn của nhiều lực lượng chính trị và quần chúng nhân dân tại Tây bán cầu. Ông Obama đã có một biện pháp nới lỏng cấm vận chống La Havana nhưng nó chưa đủ và rất mong manh.
Ngoài ra, vị tổng thống đời thứ 44 của nước Mỹ còn phải hành động mạnh mẽ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu, tác nhân được cho là gây ra "siêu bão" Sandy tàn phá nặng nề bờ biển Đông của nước này trong những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11. Ông Obama từng tuyên bố biến đổi khí hậu là "thế lực hủy diệt hành tinh đang ở mức báo động". Ngồi vào bàn đàm phán với CHDCND Triều Tiên, đất nước đang có một nhà lãnh đạo trẻ với khả năng chưa đoán trước được, cũng là thách thức không nhỏ của ông chủ Nhà Trắng.
TRÍ VĂN (Theo BBC, AP)