14/04/2012 - 22:27

Obama "đối chất" trước các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh

Ông Obama chuẩn bị “đối chất” tại hội nghị OAS. Ảnh: AP  

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) khai mạc hôm qua tại thành phố biển Cartagena của Colombia được dự báo là một cuộc đối chất căng thẳng của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh về chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba, vấn đề cải cách nhập cư và chống ma túy.

Mối quan hệ nhạt nhòa giữa Mỹ và Colombia

Để chuẩn bị bước vào nghị trường nóng bỏng của 34 nước thành viên OAS, Tổng thống Obama và đoàn tháp tùng đông đảo đã đến Cartagena từ chiều 13-4 (theo giờ địa phương). Colombia là một đồng minh truyền thống của Mỹ, đặc biệt là dưới thời cựu Tổng thống Alvaro Uribe. Đương kim Tổng thống Juan Manuel Santos từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Uribe, chủ trương duy trì mối quan hệ với Mỹ nhưng không phụ thuộc vào Mỹ. Ông đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận cho phép Mỹ mở rộng các căn cứ quân sự của Mỹ từ thời Uribe, mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài thuộc dạng đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, dẫn độ một tên trùm ma túy người Venezuela về cố hương bất chấp lệnh truy nã của Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ... Chính quyền của ông Santos cũng đã chủ động khôi phục các mối quan hệ ngoại giao bị đóng băng với Venezuela và Ecuador, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ với Caracas trong việc hòa giải với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) nhằm chấm dứt cuộc xung đột và giải quyết vấn đề con tin tại nước mình.

Nhưng trước sức ép của đồng minh quan trọng nhất và là nhà tài trợ lớn của Colombia, ông Santos vẫn không thể mời Cuba tham gia trở lại OAS sau thời gian dài bị Mỹ cô lập (từ năm 1959 đến nay). Hành động này đã không nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh khác, trong đó Tổng thống Ecuador Rafael Correa kiên quyết tẩy chay hội nghị OAS. Ông Santos đã làm dịu bớt sự bất bình này bằng cách sang Cuba gặp gỡ Chủ tịch Raul Castro và tuyên bố đây có thể là hội nghị thượng đỉnh OAS cuối cùng không có sự hiện diện của Cuba.

Giới lãnh đạo Mỹ La-tinh đặt ra nhiều vấn đề

gai góc với Mỹ

Trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ và ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Obama đã cam kết sẽ bắt đầu “khởi động lại” các mối quan hệ với Cuba, nhưng đến nay người ta vẫn chưa thấy có gì thay đổi lớn trong chính sách cấm vận hà khắc của Washington chống La Havana. Việc Mỹ cản trở Colombia mời Cuba tham dự hội nghị OAS lần này càng làm cho các nhà lãnh đạo Mỹ La-tinh cảm thấy thất vọng trước lập trường cố hữu của giới cầm quyền Mỹ về Cuba. Ông Obama cũng đã hứa sẽ cải cách chính sách thắt chặt nhập cư từ thời cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George Bush nhưng cũng chưa có chuyển biến gì.

Về vấn đề ma túy, nhiều quốc gia Mỹ La-tinh cho rằng cuộc chiến chống ma túy do Mỹ phát động tại Tây bán cầu hàng chục năm qua đã thất bại. Mỹ đã tích cực hỗ trợ quân sự cho nhiều nước tham gia chống ma túy, nhưng kết quả đạt được không như mong muốn và gây nên tình trạng lạm quyền, bạo lực, chết chóc gia tăng. Nhiều nước yêu cầu Mỹ chấp nhận cho các nước coi việc trồng cây coca dùng làm thức uống truyền thống là hợp pháp nhằm hạn chế các nhóm buôn lậu thu gom chiết xuất chế tạo ma túy. Mỹ phản bác kiến nghị này và chỉ chấp nhận đưa vấn đề ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh OAS. Tại hội nghị, nhiều khả năng Brazil sẽ tiếp tục chỉ trích chính sách bảo hộ mậu dịch và tài chính của Mỹ gây bất lợi thương mại và ổn định tiền tệ cho khu vực. Trong khi đó, Argentina đưa vấn đề quần đảo Falklands/Malvinas vào chương trình nghị sự nhằm buộc Mỹ không đứng về phía Anh trong cuộc tranh chấp chủ quyền gay cấn này.

Giới quan sát cho rằng những cam kết của Mỹ tại hội nghị OAS là cơ hội để ông Obama “lấy điểm” trong mắt cử tri nói tiếng Tây Ban Nha, cộng đồng người thiểu số lớn nhất và có tốc độ tăng dân số nhanh nhất tại Mỹ. Chính cộng đồng hơn 50 triệu người này đã bỏ phiếu ủng hộ ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2008 và có thể sẽ đảm bảo khả năng ông tái nhiệm vào đầu tháng 11 tới.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết